Hỏi đáp

Bài thuốc thường dùng chữa són tiểu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/08/2012 09:33 CH

Hỏi:

Từ mấy năm trước, tôi bắt đầu mắc chứng són tiểu, đã uống nhiều tân dược theo đơn bác sĩ mà bệnh không giảm. Hiện tại, mỗi khi đi ra ngoài tôi đều phải đặt băng vệ sinh, vì sợ nước tiểu són ra làm ướt. Lần đi khám gần đây nhất, bác sĩ nói là chỉ còn biện pháp chữa trị bằng phẫu thuật. Tôi tôi rất sợ bị mổ và kinh tế gia đình cũng không kham nổi, vì vậy mong được "Thuốc vườn nhà" giúp đỡ, hướng dẫn giúp cho một số bài thuốc Nam để tôi áp dụng thử.

Nguyễn Thị K.T, Hà Nội

Đáp:

đảng sâm

"Són tiểu" là một loại hình của căn bệnh mà y học gọi là "Tiểu tiện không thể kiềm chế" (Tiểu tiện không thể kiềm chế).

Bình thường, ở người trưởng thành, khi dung tích nước tiểu trong bàng quang lên tới 250-300ml, áp lực bên trong bàng quang sẽ lên tới 18-20cm cột nước; áp lực này tác động lên cơ quan cảm thụ áp lực ở thành bàng quang, kích thích cơ bàng quang co thắt, tạo ra xung động thần kinh, truyền lên não và gây ra cảm giác mót tiểu. Nếu lúc đó chưa thể đi tiểu, thì tác dụng ức chế của đại não sẽ làm cho cảm giác mót tiểu mất đi. Nhưng điều đó chỉ là tạm thời, vì sau đó một lúc bàng quang lại co bóp, buộc phải đi tiểu. Khi hoàn cảnh cho phép đi tiểu, đại não sẽ phát ra xung động truyền đến phần dưới của tủy sống, rồi qua thần kinh chậu, tới bàng quang và hệ thống cơ thắt niệu đạo, khiến cơ bàng quang co bóp mạnh, đẩy nước tiểu xuống niệu đạo, đồng thời cơ thắt niệu đạo cũng giãn ra, để nước tiểu bài tiết ra ngoài. Ngoài ra, cơ hoành và cơ thành bụng co rút, làm tăng áp lực trong khoang bụng, cũng có tác dụng giúp cho bàng quang bài tiết nước tiểu.

Như vậy, để có thể tiểu tiện một cách chủ động, phải có sự hoạt động nhịp nhàng giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo, dưới sự chỉ huy của đại não. Trường hợp thần kinh tủy sống hoặc khung chậu bị tổn thương, đường truyền tín hiệu chỉ huy từ đại não có thể bị cắt đứt. Khi đó, quá trình bài tiết nước tiểu được thực hiện dựa hoàn toàn vào phản xạ bẩm sinh: Chỉ cần áp lực trong bàng quang lên tới mức độ nhất định, cơ bàng quang tăng co bóp, đẩy nước tiểu xuống, đồng thời cơ thắt niệu đạo cũng mở ra theo phản xạ, và nước tiểu tự động bài tiết ra ngoài. Đó là tình trạng "Tiểu tiện không tự chủ", hay "Tiểu tiện không thể kiềm chế" (Urinary incontinence).

Trên lâm sàng "Tiểu tiện không tự chủ" thường được chia thành nhiều loại hình, tùy theo nguyên nhân và chứng trạng biểu hiện.

Trường hợp són tiểu như bạn nói, thuộc loại hình "Tiểu tiện không tự chủ ứng lực" hay "Tiểu tiện không tự chủ do áp lực". Nguyên nhân chủ yếu là do "cơ thắt cổ bàng quang" và "cơ thắt niệu đạo" bị tổn thương, bị xơ cứng, bị nhão, ... không đủ sức đóng kín, khiến nước tiểu từ bàng quang tràn xuống niệu đạo, chảy ra ngoài. Khi ho, cười to, hắt hơi, nâng vật nặng, đi nhanh, ... áp lực trong khoang bụng đột nhiên tăng lên, đè lên bàng quang, làm tăng áp lực, khiến nước tiểu tràn xuống niệu đạo, do cơ thắt cổ bàng quang và cơ thắt niệu đạo không thể thắt chặt và són ra ngoài.

Đây là thể bệnh rất phổ biến và tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Số liệu thống kê cho thấy, có tới gần 30% phụ nữ độ tuổi trung niên bị mắc chứng bệnh này và tỷ lệ mắc bệnh còn tăng lên cùng với tuổi tác.

Hiện tượng són tiểu, thuộc phạm vi của chứng "di niệu" trong Đông y truyền thống, còn hiện tại được gọi là "Tiểu tiện bất cấm" hay "Tiểu tiện thất cấm" (tiểu tiện không cầm được).

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng tiểu tiện không kiềm chế được, là do "Thận khí bất cố" (Thận khí không kiện toàn, chức năng khí hóa bị suy yếu) và "Bàng quang thất ước" (Chức năng ước thúc, kiềm chế, điều tiết nước tiểu của hệ thống bàng quang - niệu đạo bị trục trặc).

Để chữa trị, Đông y chủ trương kết hợp các biện pháp dưỡng sinh, các bài tập khí công, để tăng cường sức khỏe toàn thân, nhất là hệ thống cơ nhục ở khung chậu; đồng thời, sử dụng một số loại thuốc có tác dụng "cố thận nhiếp niệu" (củng cố tạng thận, tăng cường chức năng khí hóa của tạng thận và khả năng ước thúc của bàng quang, niệu đạo).

Tốt nhất là, bạn nên tìm đến phòng khám Đông y đáng tin cậy, để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn một cách cụ thể. Tạm thời, cũng có thể áp dụng thử một số bài thuốc dưới đây:

    • Bài thuốc tiêu biểu:

        - Thành phần: Đảng sâm 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, trần bì 9g, đương quy 9g, hoài sơn 20g, thỏ ty tử 10g, ô dược 6g, ích trí nhân 10g, khiếm thực 10g.

        - Gia giảm: Nếu kèm theo bụng trướng thêm tiểu hồi 6g, chỉ xác 6g; nếu chân tay lạnh, sợ rét thêm nhục quế 6g, phụ tử chế 4g.

        - Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; chia 2-3 lần uống trong ngày; liên tục 3 tháng (1 liệu trình).

        - Tác dụng: Bổ tỳ thăng dương, ôn thận cố nhiếp.

        - Trị liệu phụ trợ: Cùng với việc uống thuốc, nên kết hợp luyện tập thân thể theo phương pháp "đề giang" (co, nâng cơ hậu môn, như khi phải cố nhịn đại tiện); ngày tập 1 lần, mỗi lần 1-2 phút. Ngoài ra, khi tiểu tiện, nên cố tình khống chế, không tiểu liền cả bãi, mà phân đoạn, chia ra vài phần.

        Tại một bệnh viện ở Trung Quốc, đã sử dụng bài thuốc trên trị liệu 56 ca són tiểu (Tiểu tiện không tự chủ ứng lực), độ tuổi từ 43-77 (bình quân 67 tuổi); bệnh trình dài nhất 5 năm, ngắn nhất 1 năm. Đại đa số bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện thuộc chứng "Tỳ thận dương hư", theo cách phân loại chứng hậu của Đông y, như váng đầu, chóng mặt, người mệt mỏi, lưng gối yếu mỏi, thích nằm, ngại nói, bụng dưới có cảm giác như sa xuống; ăn không ngon miệng; lưỡi bệu, có vết răng, chất lưỡi nhợt hoặc hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ, yếu); siêu âm kiểm tra niệu động lực thấy áp lực đóng niệu đạo tối đa thấp hơn bình thường.

        Kết quả sau 1 liệu trình: 17 ca kết quả rõ rệt, triệu chứng giảm rõ rệt, áp lực đóng niệu đạo tăng lên 20-30cm cột nước; 36 ca có tiến triển tốt, triệu chứng cải thiện, áp lực đóng niệu đạo tăng lên 10-20cm; tổng hiệu suất đạt 94,7%; có 3 ca không có kết quả, chiếm 5,3%.

    • Một số bài thuốc kinh nghiệm:

        Ngoài bài thuốc cơ bản, được xây dựng theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như trên, còn có thể áp dụng thử một số bài thuốc kinh nghiệm, lưu truyền trong dân gian, mà một số người đã áp dụng có kết quả tốt.

        (1) Bài thuốc 1: Trứng gà tươi 2 quả, câu kỷ tử 20g, đại táo 4 trái; cùng cho vào nồi đất, thêm nước, nấu sôi 10-15 phút; vớt trứng ra, bóc vỏ trứng, lại cho vào đun lại thêm một lát; ăn trứng, uống nước thuốc; cách ngày 1 dùng lần. Một số người áp dụng liên tục 3 lần, đã thấy có tiến triển. Thích ứng: Dùng chữa són tiểu ở người cao tuổi do thận hư.

        (2) Bài thuốc 2: Đảng sâm 18g, hạch đào nhân 15g; sắc lấy nước đặc; chia ra uống nước thuốc và ăn hạch đào. Có tác dụng ích khí cố thận. Dùng chữa són tiểu ở người cao tuổi do thận hư.

        (3) Bài thuốc 3: Long nhãn nhục 15g, toan táo nhân (sao đen) 12g, khiếm thực 10g; sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày. Có tác dụng dưỡng huyết an thần, ích thận cố tinh thúc niệu. Dùng chữa người cao tuổi "tâm âm hư tổn", "tâm thận bất giao" dẫn tới mất ngủ, tiểu tiện không thể tự khống chế.

        (4) Bài thuốc 4: Bong bóng lợn 1 cái, rửa sạch, nhồi gạo tẻ đã vo sạch vào, buộc lại, hấp chín; không thêm mắm muối gia vị; chia ra ăn trong ngày. Có tác dụng chữa són tiểu ở người cao tuổi.

        (5) Bài thuốc 5 (đắp ngoài): Dùng một cây hành trắng (thông bạch) liền cả củ và rễ, lưu hoàng 15g, gừng tươi 2 lát; tất cả cùng giã nhuyễn; khi nằm ngủ đắp lên rốn, băng cố định, sáng hôm sau gỡ ra. Có tác dụng chữa són tiểu tất cả các độ tuổi.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]