Hỏi:
Từ năm ngoái, không biết vì sao, trên mặt, cổ và ngực cháu, tự nhiên xuất hiện liền mấy cái nốt ruồi, và cái ở má phải to gần bằng hạt ngô, khiến cháu thấy rất mất tự tin. Cháu định đi thẩm mỹ viện để tẩy, nhưng nghe nói, trong Đông y có những bài thuốc rất hay, có thể trừ nốt ruồi mà không để lại sẹo. Nếu có thể được, mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" giới thiệu cho cháu một số bài thuốc dân gian tương đối đơn giản, để áp dụng thử.
Lê Thị Minh Thúy, Việt Yên, Bắc Giang
Đáp:
Nốt ruồi, nói chung là thuộc loại "u lành tính", do các tế bào "hắc sắc tố" tăng sinh, tích tụ tại một số vị trí nhất định trên mặt da mà thành. Nốt ruồi thường chỉ ảnh hưởng đôi chút tới thẩm mỹ, mà không gây tác hại gì đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, cũng có một số nốt ruồi thuộc loại "u ác tính", tức "ung thư hắc tố da". Nếu thấy nốt ruồi tự nhiên bị biến dạng, phát triển nhanh, màu sắc không ổn định (khi đậm khi nhạt), có những nốt lốm đốm, quanh nốt ruồi hiện rõ quầng đen, bỗng nhiên sưng tấy, ... thì đó những dấu hiệu của "u ác tính", cần đến ngay bệnh viện để được khám chữa kịp thời.
Một nốt ruồi lành, cũng có thể biến thành "u ác tính", có thể do bị mắc một số bệnh toàn thân, hoặc do bị "tẩy xóa" một cách thô bạo, như cậy, nhể, cào gây chảy máu, dùng nhang đốt, bôi vôi, bôi acid, ...
Theo Đông y: Nguyên nhân gây nên nốt ruồi là do "phong tà" xâm phạm vào kinh lạc, làm cho khí huyết mất điều hòa, khiến cho "trọc khí" (chất cặn bã) tích đọng lại ở một số vị trí, thành ra nốt ruồi.
Để chữa trị, Đông y thường sử dụng kết hợp những bài thuốc uống trong có tác dụng trừ phong, điều hòa khí huyết, với những thuốc bôi ngoài có tác dụng bào mòn dần nốt ruồi.
"Mỹ phẩm từ thiên nhiên" xin phép được giới thiệu một số bài thuốc để bạn tham khảo hoặc áp dụng thử. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng trong trường hợp nốt ruồi ảnh hưởng quá lớn tới thẩm mỹ và nhất thiết không được áp dụng với loại nốt ruồi ác tính, hoặc nốt ruồi lành đang bị "ung thư hóa":
(1) Thuốc uống trong: Sinh địa 10g, thục địa 10g, sơn thù du 8g, sơn dược 15g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 15g, đông qua nhân 15g, tế tân 3g, hồng hoa 6g, đào nhân 6g, cát cánh 8g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-4 ngày rồi lại uống tiếp liệu trình khác; không uống thuốc trong thời gian hành kinh. Bài thuốc có tác dụng bổ khí, hoạt huyết, hạn chế sự phát triển của nốt ruồi, phòng ngừa sự xuất hiện nốt ruồi mới.
(2) Thuốc bôi ngoài:
- Cách 1: Dùng nhựa đu đủ, bôi vào nốt ruồi, ngày bôi 3-4 lần; hoặc dùng quả đu đủ non, giã nát, đắp lên nốt ruồi, sau đó dùng băng dính cố định lại, ngày thay thuốc một lần.
- Cách 2: Dùng cành lá cây rau muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, sau đó cô nhỏ lửa thành cao lỏng, cất vào lọ rộng miệng, nút kín, dùng dần; ngày dùng cao bôi lên nốt ruồi 2-3 lần.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.