Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bài thuốc chữa "Khí huyết lưỡng hư"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/02/2012 08:29 CH

Hỏi:

Cháu năm nay 26 tuổi, có một con nhỏ. Người rất gầy, ăn uống kém, hay khát nước, lòng bàn chân bàn tay nóng, hay ngủ mê, người mệt mỏi, ngại nói, hay quên, thiếu tập trung, hay chóng mặt, tim hồi hộp thỉnh thoảng loạn nhịp, vã mồ hôi tay, kinh nguyệt trồi, lượng huyết ít, ngại sinh hoạt tình dục với chồng vì không ham muốn và âm đạo không tiết được chất nhờn, ... Cháu đã đi xem mạch ở một số nơi, có thầy nói là cháu bị "máu nóng", thầy khác bảo là "chân huyết hư", người lại nói "âm khí lưỡng hư", ... Cháu chả biết chính xác là mình bị bệnh gì. Kính mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, cháu mắc bệnh gì và phải dùng thuốc gì để chữa?

P.T.L, Cẩm Khê, Phú Thọ

Đáp:

đương quy

Theo chúng tôi nghĩ, trường hợp bệnh lý của bạn, tương ứng với chứng bệnh mà Đông y gọi là "Khí huyết lưỡng hư" ("khí" và "huyết" đều hư tổn), còn gọi là "Tâm Tỳ lưỡng hư" (tạng Tâm và Tỳ đều hư tổn).

Theo y lý Đông y: Mệt mỏi, ngại nói, hay vã mồ hôi là những biểu hiện của "khí hư" ("khí" bị hư tổn). Kém ăn là do "Tỳ khí" (chức năng tiêu hóa, còn gọi là "trung khí") bị suy yếu. Tim hồi hộp đập loạn nhịp, hoa mắt chóng mặt, hay quên là biểu hiện của "huyết hư" ("huyết" bị hư tổn). "Huyết" thuộc "Âm". "Huyết hư" thường dẫn tới hiện tượng "Hư nhiệt" (chứng nóng do "Âm" bị suy yếu), với những biểu hiện như miệng khô, họng háo, lòng bài chân bàn tay nóng, ngủ kém, hay ngủ mê, kinh nguyệt trồi, lượng kinh huyết ít. Còn chuyện ngại sinh hoạt tình dục là hậu quả của tình trạng "Khí huyết lưỡng hư". Khí huyết khôi phục lại bình thường, tự nhiên sẽ hết.

Chứng "Khí huyết lưỡng hư" liên quan mật thiết tới hai tạng Tâm và Tỳ, cho nên còn gọi là "Tâm Tỳ lưỡng hư", khác với chứng "Âm Khí lưỡng hư" (như bạn được một thầy thuốc chẩn đoán) liên quan chủ yếu đến hai tạng Tâm và Phế.

"Khí huyết lưỡng hư" là một chứng bệnh rất hay gặp, nhưng chứng trạng biểu hiện cụ thể ở từng người thường không giống nhau. Để chữa trị, chủ yếu cần dùng những vị thuốc có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết, và gia giảm tùy theo chứng trạng.

Trường hợp của bạn, có thể sử dụng thử bài thuốc sau:

    - Thành phần: Bạch truật 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn 10g, toan táo nhân (sao) 10g, nhân sâm 15g, đương quy 12g, mộc hương 10g, cam thảo (nướng) 6g, viễn chí 4g, địa cốt bì 10g, đan bì 8g, gừng tươi 5 lát, táo tầu 3 quả (tất cả các vị thuốc trên đều có thể mua ở các cửa hàng Đông Nam dược).

    - Cách dùng: Sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày, uống ấm. Cũng có thể tăng liều lượng các vị thuốc theo tỷ lệ như trong đơn thuốc; tất cả đem tán thô, trộn đều; hàng ngày dùng 12g bột thuốc, thêm gừng tươi 5 lát, táo tầu 3 quả, nấu với 500ml nước, đun cạn còn 300ml, chia ra uống trong ngày, cũng uống ấm. Hoặc còn có thể làm thành viên để uống dần. Uống liên tục 7-10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục liệu trình khác cho tới khi khỏi bệnh.

    - Tác dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, trừ "Hư nhiệt". Trong bài thuốc sử dụng nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, táo tầu, gừng tươi để bổ khí; dùng đương quy, long nhãn để bổ âm, dưỡng huyết; dùng phục thần, toan táo nhân, viễn chí để định tâm an thần; dùng địa cốt bì và đan bì để giải trừ hiện tượng "Hư nhiệt"; thêm mộc hương để tăng cường tác dụng kiện tỳ (tăng cường chức năng tiêu hóa) và phòng ngừa tác dụng phụ của các vị thuốc bổ (thuốc bổ dễ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, gây đầy bụng, tiêu chảy, ...). Bài thuốc rất an toàn, hầu như không có tác dụng phụ.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]