Hỏi:
Tôi bị viêm đại tràng ngang dài, tăng co thắt. Bác sĩ cho thuốc uống loại Rekelat 100mg, tôi đã uống nhưng không khỏi, vẫn bị đau bụng. Vậy mong "Thuốc vườn nhà" chỉ cho biết, phải điều trị như thế nào và có những loại cây nhà lá vườn nào chữa được bệnh này?
Nguyễn Thúy Hà, Hà Nội
Đáp:
Đại tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa, bắt đầu từ đoạn cuối hồi tràng ở khoang chậu phải, bao gồm các bộ phận: "Manh tràng - Ruột thừa", "Kết tràng" và "Trực tràng". "Kết tràng" là bộ phận có kích thước lớn nhất, tạo thành một khung hình "chữ U ngược", bao gồm 4 đoạn: "Kết tràng lên", "Kết tràng ngang", "Kết tràng xuống" và "Kết tràng xigma". "Đại tràng ngang dài" (như bạn viết trong thư) là tên gọi cũ của đoạn "Kết tràng ngang" (theo cách gọi hiện tại).
Lâu nay, "viêm đại tràng" vẫn được xem như một "tên gọi chung", chỉ trạng thái bệnh lý ở đại tràng, với những biểu hiện chủ yếu: Đau bụng, ỉa chảy hoặc táo bón, số lần đại tiện tăng, phân có lẫn máu hoặc mũi nhầy, ... Tuy nhiên, bệnh danh "viêm đại tràng" chưa khẳng định được nguyên nhân gây bệnh.
Vì vậy hiện tại y học chia "viêm đại tràng" thành 2 loại chính:
1. Viêm đại tràng có tổn thương thực thể ở trong lòng đại tràng (như viêm, loét, u ...), mà nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm ...
2. Viêm đại tràng không có tổn thương ở đại tràng. Thường gọi là "Hội chứng ruột kích thích" (irritable bowe syndrome - IBS ), còn gọi là "Hội chứng đại tràng kích thích", "Bệnh đại tràng chức năng", "Viêm đại tràng co thắt".
Như trong thư bạn viết, bệnh của bạn thuộc loại hình thứ hai này. Đây là loại rối loạn tiêu hóa lành tính, không dẫn tới biến chứng nguy hiểm (như ung thư kết tràng hoặc trực tràng), nhưng rất phiền phức, vì dai dẳng lâu ngày, hay tái phát, khó xác định chính xác nguyên nhân và phải kiên trì mới có thể chữa khỏi hoàn toàn.
"Viêm đại tràng co thắt" thuộc phạm vi chứng "tiết tả" trong Đông y học. Do bệnh tình và nhân gây bệnh phức tạp, nên để chữa trị, cần căn cứ vào chứng trạng biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng một trong số các bài thuốc giới thiệu dưới đây:
(1) Bài thuốc 1:
- Bạch truật (sao vàng) 12g, bạch thược 12g, phòng phong 9g, trần bì 9g, sài hồ 9g, phục linh 12g, hương phụ (tẩm giấm sao) 9g, cam thảo 3g; đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi 20-30 phút; sắc 2 lần, chia ra nhiều lần uống trong ngày.
- Tác dụng: Chữa viêm đại tràng co thắt với những biểu hiện như đau bụng, sôi bụng, ỉa chảy; đại tiện xong đỡ đau; mỗi khi tinh thần căng thẳng là bệnh lại phát tác; chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng; mạch căng như dây đàn (huyền).
(2) Bài thuốc 2:
- Trần bì (tẩm giấm sao) 6g, sài hồ 6g, xuyên khung 5g, hương phụ 5g, bạch thược 5g, chỉ xác (sao) 5g, cam thảo 2g; nước 1,5 bát, sắc còn 8 phần; uống trước bữa ăn.
- Tác dụng: Chữa viêm đại tràng co thắt với biểu hiện chủ yếu là đau bụng và sôi bụng.
(3) Bài thuốc 3:
- Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, sơn dược 15g, bạch biển đậu 12g, liên tử nhục (hạt sen) 12g, ý dĩ nhân 15g, sa nhân 3g, cát cánh 3g, cam thảo 6g; sắc và uống như Bài thuốc 1.
- Tác dụng: Chữa viêm đại tràng co thắt với biểu hiện như đại tiện khi lỏng khi tiêu chảy, phân sống; ăn xong bụng đầy tức khó chịu; ăn chút đồ mỡ hoặc chất kích thích là số lần đại tiện tăng lên; vùng dạ dầy nhấm nhói đau; da nhợt nhạt, tinh thần uể oải; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng.
"Viêm đại tràng co thắt" là loại bệnh phức tạp, dai dẳng, hay tái phát, phải kiên trì uống thuốc lâu ngày mới có thể chữa khỏi tận gốc.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.