Năm Âm lịch Kỷ Hợi chính thức khởi đầu vào ngày 5/2/2019. Còn năm Vận Khí Kỷ Hợi thì bắt đầu sớm hơn - khởi đầu từ tiết Đại Hàn - 20/1/2019.
Theo thông lệ, mỗi dịp Xuân về, "Thuốc vườn nhà" lại xin trình bày một số dự đoán về tình hình thời tiết khí hậu và bệnh tật, theo phương pháp của "Vận Khí học" trong Đông y cổ truyền, để tham khảo, cùng nhau chiêm nghiệm, chuẩn bị thuốc men, cũng như những biện pháp dự phòng và chữa trị bệnh tật hữu hiệu.
• Dự báo tổng quát
Năm Ngũ Vận Lục Khí Kỷ Hợi 2019 khởi đầu từ ngày Đại hàn 20/1/2019 và kết thúc vào trước ngày Đại hàn 20/01/2020.
"Ngũ Vận" là sự vận hành và biến hóa của 5 loại khí: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy; đó là những nhân tố chủ yếu tác động tới khí hậu trên mặt đất.
"Lục Khí" là sự vận động biến hóa của 6 loại khí: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa; đó là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trên không trung.
"Vận Khí học" là khoa dự báo, dựa trên sự kết hợp giữa "Ngũ Vận" và "Lục Khí".
Ngũ vận và Lục khí luôn biến đổi, luân chuyển hàng năm. Mỗi năm có một Vận chủ quản gọi là "Tuế vận" và một Khí chủ sự gọi là "Tuế khí".
Cụ thể, đối với năm Kỷ Hợi 2019:
- Tuế Vận: Tính theo Thiên can của năm, theo quy tắc "Thiên can thống vận". Năm Kỷ Hợi thiên can là "Kỷ". Kỷ là "âm thổ". "Dương hữu dư, âm bất túc", nên Tuế vận năm Kỷ Hợi là "Thổ vận bất cập".
- Tuế Khí: Tính theo Địa chi, theo nguyên tắc "Địa chi thống khí". Năm Kỷ Hợi địa chi là "Hợi", Quyết âm phong mộc tư thiên - nửa năm đầu Phong khí chủ sự - 6 tháng đầu có nhiều gió. Thiếu dương tướng hỏa tại tuyền - nửa năm cuối hỏa khí (nóng) chủ sự, khí hậu trong 6 tháng cuối năm nóng hơn bình thường.
Kết hợp Vận và Khí: "Thổ vận bất cập, phong khí đại hành" - năm thổ vận bất cập thì phong khí hoạt động mạnh, có nhiều gió và độ ẩm không khí thấp.
Quan hệ với ngũ tạng: Tỳ thuộc Thổ, Can thuộc Mộc, Mộc khắc Thổ, nên xuất hiện các chứng bệnh do "Tỳ hư Can thừa" như "sôn tiết" (ỉa chảy, phân lẫn thức ăn chưa tiêu hóa), "hoắc loạn" (ỉa chảy và nôn liên tục), "phúc thống" (đau bụng), ...
Khí hậu hàng năm biến đổi một cách bình hòa hay đột ngột, còn tùy thuộc vào quan hệ Ngũ hành sinh khắc giữa Vận và Khí theo quy luật: Vận sinh khí gọi là "Tiểu nghịch" (小逆); Vận khắc khí gọi là "Bất hòa" (不和); Khí sinh vận gọi là "Thuận hóa" (顺化); Khí khắc vận gọi là "Thiên hình" (天刑). Năm Kỷ Hợi có Tuế vận = Thổ vận. Khí Tư thiên = Quyết âm phong mộc. Mộc khắc Thổ = Khí khắc Vận, do đó Kỷ Hợi là một năm "Thiên hình". Đặc điểm của năm thiên hình là khí hậu thường đột biến, tật bệnh phát sinh tương đối nhiều.
Năm Kỷ Hợi tuế vận là Thổ, tuế khí là Mộc. Mộc khắc Thổ - Tuế khí khắc Tuế vận. Vận Khí học gọi đó là "Khí thịnh Vận suy" - Khi phân tích, dự báo về tình hình khí hậu và tật bệnh chủ yếu căn cứ vào Lục Khí, còn Ngũ vận chỉ đóng một vai trò bổ trợ.
• Dự báo chi tiết từng giai đoạn
Lục khí chia mỗi năm thành 6 giai đoạn (6 khí). Thời tiết khí hậu trong mỗi giai đoạn, đều chịu sự chi phối của một Chủ khí và một Khách khí. Tùy theo quan hệ sinh - khắc giữa Chủ khí và Khách khí, mà hình thành các mối tương quan:
- Chủ khí và Khách khí "tương sinh" gọi là "tương đắc". Chủ khí và Khách khí "tương khắc" là "bất tương đắc". Tương đắc thì khí hậu tương đối ổn định, ít bệnh tật. Bất tương đắc thì khí hậu biến hóa dị thường, phát sinh nhiều bệnh tật.
- Trong một số trường hợp, còn tính đến quan hệ Thuận - Nghịch: Khách khí sinh hoặc khắc chủ khí là "thuận". Chủ khí sinh hoặc khắc khách là "nghịch". Thuận thì khí hậu tương đối ổn định và ít bệnh tật. Nghịch thì khí hậu biến hóa dị thường và nhiều tật bệnh.
Các giai đoạn của Lục khí trong năm Kỷ Hợi:
Thứ tự các Khí |
Sơ khí (1) |
Nhị khí (2) |
Tam khí (3) |
Tứ khí (4) |
Ngũ khí (5) |
Chung khí (6) |
|
Thời điểm bắt đầu |
Đại hàn 20/01/2019 |
Xuân phân 21/03/2019 |
Tiểu mãn 21/05/2019 |
Đại thử 23/07/2019 |
Thu phân 23/09/2019 |
Tiểu tuyết 22/11/2019 |
|
Chủ khí & Khí hậu |
Quyết âm Phong Mộc |
Thiếu âm Quân Hỏa |
Thiếu dương Tướng Hỏa |
Thái âm Thấp Thổ |
Dương minh Táo Kim |
Thái dương Hàn Thủy |
|
Gió ấm |
Ấm áp |
Nóng |
Nóng ẩm |
Khô mát |
Lạnh |
||
Khách khí & Khí hậu |
Dương minh Táo Kim |
Thái dương Hàn Thủy |
Quyết âm Phong Mộc (Tư thiên) |
Thiếu âm Quân Hỏa |
Thái âm Thấp Thổ |
Thiếu dương Tướng Hỏa (Tại tuyền) |
|
Khô mát |
Lạnh giá |
Gió ấm |
Ấm áp |
Ẩm thấp |
Nóng |
1. Khí thứ nhất (Sơ khí): 20/01/2019 - 21/03/2019
Chủ khí = Quyết âm phong mộc. Khách khí = Dương minh táo kim.
Kim khắc Mộc - Khách khí khắc chủ khí - Chủ khách bất tương đắc - Khí hậu dị thường.
Phong khí (mộc) khiến cho khí dương xuân thăng phát, mưa thuận gió hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, đó là khí hậu thường quy (bản khí) của hai tháng đầu xuân. Nhưng đầu năm Kỷ Hợi gặp khách khí Dương minh táo kim - bản tính thu liễm; Phong mộc bị táo kim chế ước (kìm hãm), khí dương xuân không thể thăng tán, mưa không thuận, gió không hòa. Mưa xuân xuất hiện muộn, có những ngày trời khô nóng dị thường, hoặc chợt nóng chợt lạnh.
Trong điều kiện như vậy rất dễ xuất hiện các bệnh đường hô hấp, ho, cảm cúm, ... Để phòng ngừa bệnh tật, khi đi ra ngoài cần giữ ấm cổ, đeo khẩu trang. Tối nên ngủ sớm, không thức khuya. Ăn uống cần sử dụng những món có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, nhuận táo, ... như sinh địa hoàng, bách hợp, mạch môn, thiên môn, ngân nhĩ, nhẫn đông đằng, ...
2. Khí thứ hai (Nhị khí): 21/03/2019 - 21/05/2019
Chủ khí = Thiếu âm quân hỏa; Khách khí = Thái dương hàn thủy.
Thủy khắc Hỏa - Khách khí khắc chủ khí - Chủ khách bất tương đắc - Khí hậu dị thường.
Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, theo thường quy thì khí hậu đã tương đối ấm áp, nhưng gặp phải khách khí Thái dương hàn thủy, nên mưa nhiều và nhiệt độ không khí cũng tương đối thấp.
Đây cũng là giai đoạn dễ sinh bệnh tật. Chủ yếu là loại bệnh "ngoại hàn nội nhiệt", "thượng nhiệt hạ hàn", "hàn bao hỏa", ... Dưỡng sinh phòng bệnh cần đặc biệt chú ý giữ ấm. Sáng sớm và buổi tối, nhiệt độ hạ xuống cần chú ý mặc thêm quần áo. Để khắc phục tình trạng "ngoại hàn nội nhiệt" có thể bổ sung các loại rau quả thanh lương, để trừ nội nhiệt. Tuy nhiên, tránh lạm dụng quá nhiều những thứ sống lạnh, để phòng ngừa tổn thương dương khí.
3. Khí thứ ba (Tam khí): 21/05/2019 - 23/07/2019
Chủ khí = Thiếu dương tướng hỏa. Khách khí = Quyết âm phong mộc.
Mộc sinh Hỏa - khách khí sinh chủ khí - Chủ khách tương đắc. Lẽ ra khí hậu sẽ bình hòa. Thế nhưng năm Kỷ Hợi khí tư thiên, chủ quảm nửa năm đầu, cũng là phong mộc, phối hợp với mộc của khách khí, cùng tương sinh chủ khí (hỏa), khiến hỏa khí trở nên thái quá.
Đặc điểm chủ yếu của khí hậu giai đoạn này là "phong nhiệt thịnh hành": Giai đoạn này thông thường đã nóng, lại càng nóng hơn; mộc khí (chủ phong) vượng nên có thêm nhiều gió.
Khí phong nhiệt khiến con người dễ mắc các loại bệnh ngoại cảm như cảm mạo phong nhiệt, cảm nắng, ... các bệnh nội thương như "tâm nhiệt", "tâm phế nhiệt", "can hỏa cang thịnh", "can đảm thấp nhiệt", ...
Để dưỡng sinh phòng bệnh cần tăng cường vận động thân thể, để cải thiện quá trình trao đổi chất, tăng cường khả năng miễn dịch, ... Cần chú ý điều hòa tình chí, tránh cáu giận để phòng ngừa tình trạng "can mộc hoành khắc tỳ thổ" - gây rối loạn chức năng tiêu hóa, ... Ăn uống nên bổ sung những thứ có tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa, nhưng chớ nên lạm dụng thức ăn sống lạnh, để phòng ngừa tổn thương tỳ vị. Đồng thời có thể sử dụng thêm các loại trà tân lương thanh nhiệt, như trà xanh, trà kim ngân cúc hoa, trà kim ngân bạc hà, ...
4. Khí thứ tư (Tứ khí): 23/07/2019 - 23/09/2019
Chủ khí = Thái âm thấp thổ. Khách khí = Thiếu âm quân hỏa.
Hỏa sinh Thổ - khách khí sinh chủ khí – Khách chủ tương đắc. Thời tiết khí hậu nói chung tương đối thuận. Tuy nhiên giai đoạn này khí tại tuyền - chủ quản nửa năm cuối, cũng là hỏa ("thiếu dương tướng hỏa", nên hỏa khí càng thêm thiên thịnh).
Đặc điểm khí hậu trong giai đoạn này là nóng và ẩm (do kết hợp với chủ khí Thái âm thấp thổ). Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao, ít gió, dễ gây nên bệnh trúng thử (say nắng), các bệnh ở tâm và phế, cũng như các bệnh lở loét ngoài da. Để dưỡng sinh phòng bệnh, nên tăng cường sử dụng các loại thuốc và rau quả có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp như kim ngân hoa, chi tử, bạch biển đậu, hoắc hương, bội lan, liên tử tâm, bí đao, mướp, ...
5. Khí thứ năm (Ngũ khí): 23/09/2019 - 22/11/2019
Chủ khí = Dương minh táo kim. Khách khí = Thái âm thấp thổ.
Thổ sinh Kim - khách khí sinh chủ khí - Chủ khách tương đắc, khí hậu tương đối thuận.
Đây là giai đoạn mùa thu, khí hậu khô mát. Do ảnh hưởng của khí hậu, những người phế vị hư nhược hoặc can hư (chức năng của phế, vị hoặc can vốn đã suy yếu) dễ bị mắc bệnh, kèm theo các chứng trạng như ho khan, ngực sườn đau tức, khó chịu vùng dạ dày, ợ chua, sôi bụng, da khô, ... Để phòng trị cần sử dụng thêm những vị thuốc có tác dụng bổ phế nhuận táo, ôn vị noãn can, như ngũ vị tử, hắc chi ma (vừng đen), đương quy, bạch thược, sinh khương (gừng tươi), cao lương khương (riềng), ... Giai đoạn này cũng nên bắt đầu mặc thêm quần áo ấm, để phòng bị nhiễm lạnh đột ngột, ...
6. Khí thứ 6 (Chung khí): 22/11/2019 - 20/01/2020
Chủ khí = Thái dương hàn thủy. Khách khí = Thiếu dương tướng hỏa.
Thủy khắc Hỏa - chủ khắc khách - Chủ khách bất tương đắc. Khí hậu dị thường.
Mùa đông theo lẽ thường phải lạnh, nhưng do Khách khí là Thiếu dương tướng hỏa, lại thêm khí tại tuyền, chủ quản khí hậu nửa năm cuối, cũng là hỏa, nên mùa đông năm Kỷ Hợi ấm nóng khác thường.
Trong điều kiện khí hậu như vậy, những người thể chất vốn hư nhược, đặc biệt là thể chất thuộc loại hình "âm hư nội nhiệt", dễ bị mắc các bệnh thời khí như cảm mạo, đông ôn, sởi, sốt phát ban, ... Để dưỡng sinh phòng bệnh, nên luyện tập các môn tĩnh công, có tác dụng dưỡng âm tiềm dương. Để chữa trị cần sử dụng các loại thuốc thanh nhiệt trừ phong, lương huyết giải độc, tư âm giáng hỏa, ... Ví dụ như tang diệp (lá dâu tằm), đại thanh diệp (bọ mẩy), kim ngân hoa, huyền sâm, mạch môn, thiên môn, ...
• Dự đoán tổng quát
Năm vận khí Kỷ Hợi 2019, nói về Ngũ Vận: Thổ vật bất túc.
Thổ ứng với Tỳ Vị, Thổ bất túc ảnh hưởng đến chức năn Tỳ Vị (chức năng tiêu hóa), do đó toàn năm cần đặc biệt chú ý vấn đề ăn uống, để dự phòng các bệnh đường ruột.
Nói về Lục Khí: Nửa năm đầu Phong mộc làm chủ - nhiều gió, nửa năm cuối Tướng hỏa làm chủ - âm hơn bình thường.
Ba tháng đầu, tháng 1-3, cần chú ý đề phòng các bệnh đướng hô hấp.
Ba tháng tiếp theo, tháng 3-5, lạnh hơn bình thường, cần chú ý phòng ngừa các bệnh do "hàn tà".
Từ tháng 5-7, chú ý phòng ngừa các bệnh "phong nhiệt".
Từ tháng 7-9, chú ý phòng ngừa các bệnh "thấp nhiệt".
Từ tháng 9-11, chú ý phòng ngừa các bệnh "lương táo".
Từ tháng 11 - tháng 1 năm sau, mùa đông ấm áp khác thường, cần chú ý phòng ngừa các bệnh "đông ôn".
Lương y THÁI HƯ
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.