Giải mã Đông y

Vận Khí năm Bính Thân 2016 và "Sức khỏe, Dưỡng sinh, Phòng bệnh"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/02/2016 09:51 SA

bính thân 2016, 2016

Theo thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, "Thuốc vườn nhà" lại tiến hành tính toán, dự báo về tình hình thời tiết khí hậu và bệnh tật trong năm sắp tới, để đồng nghiệp và Quý bạn đọc gần xa chiêm nghiệm và ứng dụng trong dưỡng sinh, dự phòng và chữa trị bệnh tật. Ngoài ra, chúng tôi còn đề cập đến một số ứng dụng của Vận Khí học trong việc nuôi trồng dược liệu, để cùng tham khảo và nghiên cứu ứng dụng.

KHÍ HẬU VÀ BỆNH TẬT TOÀN NĂM

    Ngũ vận và Lục khí luôn biến đổi, luân chuyển hàng năm. Mỗi năm có một Vận và một Khí chủ sự, gọi là "Tuế vận" và "Tuế khí".

    Năm Vận khí Bính Thân khởi đầu từ ngày Đại hàn 20/01/2016 và kết thúc vào trước ngày Đại hàn 20/01/2017.

    - Theo nguyên tắc "Thiên can thống vận", năm Bính Thân thiên can là "Bính". Bính hóa "dương thủy", nên Tuế vận là "Thủy vận thái quá", toàn năm thủy khí thiên thịnh; mùa Đông năm Bính Thân đến sớm và lạnh hơn bình thường; hiện tượng khí hậu và vật hậu (cảnh quan) đột biến cũng thường hay xuất hiện trong những ngày Đông.

    - Theo nguyên tắc "Địa chi thống khí". Năm Bính thân địa chi là "Thân". Thiếu dương tướng hỏa tư thiên, nửa năm đầu hỏa khí chủ sự, thời tiết ấm nóng hơn và ít mưa hơn bình thường. Quyết âm phong mộc tại tuyền, nửa năm cuối phong khí chủ sự, nên nhiều gió hơn những năm bình thường.

    - Tình hình bệnh tật theo Ngũ vận: Theo thiên "Lục tiết tàng tượng luận" sách "Nội Kinh" đã viết "... Thái quá tắc bạc sở bất thắng, nhi thừa sở thắng dã, ...". Đó là nói về cơ chế "sinh - khắc - chế - hóa" của Ngũ hành. Năm Bính Thân, thủy vận thái quá (quá mạnh), một mặt "bạc" (cưỡng bức) "sở bất thắng", tức hành khắc nó, trong trường hợp này là hành Thổ; mặt khác sẽ "thừa sở thắng", nghĩa là xúc phạm hành nó khắc, trong trường hợp này là hành Hỏa. Như vậy, Thủy khí thái quá, sẽ liên đới cả đến Thổ khí và Hỏa khí.
Thủy ứng với thận thận, thủy vận thái quá nên tạng thận dễ bị mắc bệnh, bụng trướng nước (phúc thủy), chân phù thũng, ho, khí suyễn, ... Thủy "bạc" (cưỡng bức) Thổ, Thổ thông ứng với tạng Tỳ nên cũng thường xuất hiện các bệnh ở Tỳ vị, như đầy bụng, ăn không tiêu, sôi bụng, ỉa chảy, ... Thủy "thừa" Hỏa, Hỏa ứng với tạng tâm, nên tạng tâm cũng bị thụ bệnh, thường xuất hiện các chứng phiền táo, nói sàm, phát sốt, trống ngực, tim loạn nhịp (tâm quý), chân tay lạnh toát, ... Để phòng trị, nói chung cần trục hàn, kiện tỳ hóa thấp và bổ tâm.

    - Tình hình bệnh tật theo Lục khí: Nửa năm đầu, thiếu dương tướng hỏa tư thiên, thời tiếng nóng sớm và nóng hơn bình thường. Cần chú ý dự phòng các bệnh ôn nhiệt, tương ứng với các bệnh sốt, nhiễm trùng, cũng như dịch bệnh. Mặt khác, hành Hỏa thịnh, khắc chế hành Kim, ứng với tạng phế. Nên cũng cần chú ý dự phòng các bệnh đường hô hấp. Nửa năm cuối, quyết âm phong mộc tại tuyền, phong khí hành sử quyền lực, trời nhiều gió, kết hợp với khí lạnh của năm thủy vận, nên thời tiết nửa năm cuối có nhiều gió lạnh hơn là bình thường. Cần chú ý dự phòng các bệnh ở can, thận.

KHÍ HẬU VÀ BỆNH TẬT TỪNG GIAI ĐOẠN

    Các giai đoạn của Lục khí trong  năm Bính Thân

Thứ tự

các Khí

Sơ khí

(1)

Nhị khí

(2)

Tam khí

(3)

Tứ khí

(4)

Ngũ khí

(5)

Chung khí

(6)

Thời điểm

bắt đầu

Đại hàn

20/01/2016

Xuân phân

20/03/2016

Tiểu mãn

20/05/2016

Đại thử

22/07/2016

Thu phân

22/09/2016

Tiểu tuyết

22/11/2016

Chủ khí

&

Khí hậu

Quyết âm

Phong Mộc

Thiếu âm

Quân Hỏa

Thiếu dương

Tướng Hỏa

Thái âm

Thấp Thổ

Dương minh

Táo Kim

Thái dương

Hàn Thủy

Gió ấm

Nóng

Rất nóng

Nóng ẩm

Khô mát

Lạnh

Khách khí

&

Khí hậu

Thiếu âm

Quân Hỏa

Thái âm

Thấp Thổ

Thiếu dương

Tướng Hỏa

(Tư thiên)

Dương minh

Táo Kim

Thái dương

Hàn Thủy

Quyết âm

Phong Mộc

(Tại tuyền)

Nóng

Ẩm thấp

Rất nóng

Khô mát

Lạnh

Gió ấm

    1. Từ Đại Hàn (20/01/2016) - Xuân Phân (20/03/2016):

    Chủ khí là Quyết âm phong mộc, Khách khí là Thiếu âm quân hỏa. Phong nhiệt đồng hóa, nên khí hậu ấm áp khác thường; cỏ cây tốt tươi sớm, tuy đôi khi vẫn có những đợt lạnh nhưng chỉ ảnh hưởng không đáng kể.

    Trong giai đoạn này dễ xuất hiện các bệnh mà Đông y gọi là "ôn nhiệt", các chứng viêm, sốt, các bệnh nhiễm trùng, ...

    Để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, nên tuân theo nguyên tắc "dưỡng sinh theo mùa" của người xưa: Ba tháng mùa Xuân, nên đi ngủ sớm và dậy sớm, tản bộ ở ngoài sân, để điều nhiếp tinh thần và di dưỡng tình chí. Ăn uống cần hạn chế những thứ cay nóng, chớ uống nhiều rượu. Những người có thể chất âm hư hỏa vượng nên dùng sinh địa, mạch môn và huyền sâm, sắc uống thay trà; hoặc cũng có thể sử dụng "tam đậu thang" (dùng đậu xanh, đậu đen và đậu đỏ sắc lấy nước uống).

    2. Từ  Xuân Phân (20/03/2016) - Tiểu Mãn (20/05/2016):

    Chủ khí là Thiếu âm quân hỏa; Khách khí là Thái âm thấp thổ. Khí thấp thổ gia lâm (chùm lên) Thiếu âm quân hỏa. Hỏa khí bị đè nén, khí thấp nhiệt bốc lên thành mây. Thời tiết khí hậu nóng ẩm và có mưa.

    Trong giai đoạn này dễ xuất hiện các bệnh "nhiệt uất"; đau đầu, phát sốt, ho, đau họng, nôn mửa, ngực sườn đầy tức, thần chí không tỉnh táo, ...

    Để dự phòng, có thể uống nước gạo rang hoặc dùng những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp như bạch biển đậu (đậu ván trắng), trúc diệp (lá tre, trúc), lô căn (rễ sậy), ... sắc nước uống thay trà.

    3. Từ Tiểu Mãn (20/05/2016) - Đại Thử (22/07/2017):

    Chủ khí và Khách khí đề là Thiếu dương tướng hỏa. Chủ Khách đồng khí, đều là Hỏa. Cũng là giai đoạn khí tư thiên hành sử (sử dụng) quyền lực. Khí hậu viêm nhiệt, nắng nóng xuất hiện nhiều, Chủ Khách đều là Hỏa nên không có mưa.

    Dễ xuất hiện các bệnh hỏa nhiệt, tai ù, mắt mờ, mũi tắc, mũi chảy máu, miệng khát, họng đau, ho khan, xuất huyết, ... Đặc biệt, trong giai đoạn khí hậu khô nóng này, rất dễ xuất hiện bệnh viêm não B.

    Để dự phòng, cần ăn uống thanh đạm, tránh ăn nhiều các món xào rán béo ngậy. Trong những ngày viêm nhiệt, nóng gắt, nên dùng trúc diệp, mạch môn, kim ngân hoa, chi tử, ... sắc nước uống thay trà trong ngày.

    4. Từ Đại Thử (22/07/2017) -  Thu Phân (22/09/2016):

    Chủ khí là Thái âm thấp thổ, Khách khí là Dương minh táo kim. Khí dương minh táo kim kết hợp với khí ẩm của Chủ thái âm thổ, nên thời tiết lúc nóng lúc lạnh, lúc nắng lúc mưa, đêm và sáng đã có sương xuống.

    Thường phát tác các chứng trướng đầy, thân thể và chân tay nặng nề.

    Để dự phòng, nên kết hợp các vị thuốc thanh phế nhuận táo với các vị thuốc ôn phế nhuận táo, như thiên môn, mạch môn, huyền sâm, tang diệp, tử tô, thông bạch, sinh khương, ... sắc nước uống trong ngày.

    5. Từ Thu Phân (22/09/2016) - Tiểu Tuyết (22/11/2016):

    Chủ khí là Dương minh táo kim, Khách khí là Thái dương hàn thủy.

    Giai đoạn này Dương khí đã lui, khí lạnh của thái dương hàn thủy đã tới, thường hay có mưa, cỏ cây khô héo và rụng lá sớm hơn.

    Dưỡng sinh phòng bệnh cần chú ý giữ ấm, tránh để cho hàn tà xâm phạm. Nên kết hợp thêm với các vị thuốc có tác dụng ôn kinh tán hàn, phù dương ích khí, như can khương, nhân sâm, nhục quế, cao lương khương, nhục quế, ...

    6. Từ Tiểu Tuyết (22/11/2016) - Đại Hàn (20/01/2017):

    Chủ khí là Thái dương Hàn thủy; Khách khí là Quyết âm phong mộc. Cũng là giai đoạn quyết âm phong mộc tại tuyền hành sử quyền lực. Gió thổi mạnh, thường thường hay xuất hiện mây mù.

    Thời gian này, bệnh hay phát tác ở các tạng tâm, phế; cần chú ý dự phòng các bệnh hô hấp và tim mạch.

    Dưỡng sinh phòng bệnh, cần chú ý bảo tồn dương khí, chú ý giữ ấm, tránh gió lạnh, tránh làm việc mệt nhọc quá mức, hạn chế phòng sự, ... Sinh hoạt nên theo nguyên tắc dưỡng sinh mùa Đông của người xưa, tối đi ngủ sớm, sáng nên dậy muộn hơn một chút, đợi khi mặc trời mọc mới nên thức dậy và hoạt động; ăn uống nên bổ sung những thứ có tác dụng bổ dương tán hàn như canh thịt dê đương quy, canh gà, xương dê hầm, ...

    Như vậy, có hai giai đoạn cần chú ý đặc biệt. Thứ nhất là giai đoạn từ Đại Hàn đến  Xuân Phân, cần đặc biệt chú ý dự phòng các bệnh "ôn nhiệt". Thứ hai là giai đoạn từ Tiểu Mãn - Đại Thử, dễ xuất hiện các bệnh hỏa nhiệt, tai ù, mắt mờ, mũi tắc, mũi chảy máu, miệng khát, họng đau, ho khan, xuất huyết, ... Đặc biệt, trong giai đoạn khí hậu khô nóng này, rất dễ xuất hiện bệnh viêm não B.

NUÔI TRỒNG DƯỢC LIỆU

    Như chúng ta biết, chất lượng của một vị thuốc tốt hay xấu, là do "khí" và "vị" quyết định.

    "Khí" còn gọi là "tính", gồm 5 loại: Hàn (lạnh) - nhiệt (nóng) - ôn (ấm) - lương  (mát) - bình (bình hòa - không nóng không lạnh).

    "Vị” gồm 5 loại: Toan (chua) - khổ (đắng) - cam (ngọt) - tân (cây) - hàm (mặn).

   Mỗi một sinh thể - mỗi con người, mỗi cái cây, mỗi con vật, ... đều là một "tiểu vũ trụ". Tiểu vũ trụ cùng với "đại vũ trụ" hợp thành một chỉnh thể hữu cơ thống nhất. Theo ngôn ngữ hiện đại, mỗi sinh thể đều là một "hệ thống mở", tương thông với "hệ thống lớn" - tức môi trường vũ trụ chung quanh.

    Cho nên, khí vị của thuốc chịu ảnh hưởng rất lớn của các quá trình khí hóa (vận động và biến hóa) trong trời đất (vũ trụ, môi trường sinh thái), nhất là vào sự biến thiên của thời tiết, khí hậu - cũng chính là sự biến thiên của ngũ Vận và lục Khí.

    Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã nhận thấy, chất lượng của vị thuốc, tức khí và vị của vị thuốc, không chỉ phụ thuộc vào khí hậu thời tiết 4 mùa trong năm, mà còn được quyết định bởi sự vận động của Ngũ vận và biến hóa của Lục khí. Do đó, hàng năm trước khi lập kế hoạch nuôi trồng, thu hái, chế biến và sử dụng dược liệu, thầy thuốc Đông y đều tiến hành các tính toán về Vận Khí học. Người xưa gọi đó là "tư tuế bị vật" - nghĩa là căn cứ vào sự biến động Vận Khí hàng năm, để tiến hành gieo trồng, thu hái và dự trữ dược liệu.

    "Tư" là tổ chức, quản lý; "tuế" là năm - chỉ Tuế vận và Tuế khí hàng năm; "bị" là chuẩn bị, dự trữ; "vật" là dược vật (dược liệu).

    Theo nguyên tắc "Tư tuế bị vật", khi gieo trồng, thâm canh cây thuốc, cần chú ý tuân theo một số quy tắc cụ thể như sau:

    1. Loại cây thuốc một năm hoặc nhiều năm:

    Cần căn cứ vào Tuế vận để lựa chọn thời điểm gieo trồng tối ưu. Đối với những loài cây dược liệu có tính ôn nhiệt, cần tiến hành gieo trồng vào những năm có Tuế vận là Hỏa vận. Đối với những loài cây dược liệu có tính hàn lương, cần tiến hành gieo trồng vào những năm có Tuế vận là Thủy vận. Đối với những loài cây dược liệu có tác dụng dưỡng âm sinh tân, cần tiến hành gieo trồng vào những năm có Tuế vận là Thổ vận hoặc Thủy vận. Đối với những loài cây có tác dụng táo thấp, cần tiến hành gieo trồng vào những năm có Tuế vận là Kim vận.

    Cụ thể, đối với năm Bính Thân 2016, tuế vận là Thủy, nếu gieo trồng loài cây dược liệu có tính hàn lương như sinh địa, huyền sâm, mạch môn, thiên môn, ... là những vị thuốc có tác dụng dưỡng âm sinh tân, thì có thể thu hoạch được dược liệu có phẩm chất cao.

    2. Loại thuốc thời vụ ngắn:

    Đối vối những loài cây có thời vụ nửa năm hoặc vài ba tháng cần lựa chọn những năm có khí Tư thiên hay Tại tuyền, có thuộc tính Ngũ hành tương đồng với thuộc tính của vị thuốc. Vì khí Tư thiên chủ quản khí hậu trong nửa đầu của năm, còn khí Tại tuyền chủ quản khí hậu trong nửa cuối của năm.

    Như năm Bính thân 2016, khí Tư thiên là Thiếu âm tướng hỏa, nên nửa đầu năm cần ưu tiên những loại dược liệu có thuộc tính Ngũ hành thuộc hành hỏa. Còn khí Tại tuyền là Quyết âm phong mộc, nên nửa năm cuối nên chọn các loài dược liệu có thuộc tính Ngũ hành là mộc.

    3. Chăm bóm và phòng ngừa sâu bệnh:

    Trồng dược liệu, cần tránh dùng phân bón và thuốc hóa học. Muốn vậy, có thể căn cứ vào mối tương quan giữ thuộc tính Ngũ hành của cây thuốc với thuộc tính Ngũ hành của Ngũ vận, Lục khí gia lâm hàng năm, mà lựa chọn thời gian thích hợp để tăng cường chăm sóc, triển khai các biện pháp phòng ngừa thiên tai và trừ sâu bệnh.

    Thí dụ, những loại dược liệu có thuộc tính Ngũ hành thuộc hành Hỏa, như hồng hoa, kê quan hoa, ... sẽ phát triển kém khi gặp phải năm Tuế vận, hay giai đoạn Tư thiên hoặc Tại tuyền là Thủy (Thủy khắc Hỏa), do đó cần đặc biệt chú ý chăm bón và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.


Lương y THÁI HƯ

(Một phần nội dung đã đăng trên Tạp chí Cây Thuốc Quý - số Tết Bính Thân 2016)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]