Hỏi:
Gần 2 năm nay cháu rất khó ngủ và khi ngủ thường hay chiêm bao. Trong một bài báo cháu đọc thấy có đề cập đến tác dụng tốt của quả sơn tra (táo mèo) đối với giấc ngủ. Rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ cho cháu biết thêm về tác dụng của quả sơn tra, ngoài ra còn có loại thảo dược nào chữa được bệnh mất ngủ hay không?
Bảo Trân, Long Xuyên & Một số đọc giả khác
Đáp:
Xin trả lời các thắc mắc của cháu và cả những vấn đề một số bạn đọc khác đã viết thư hỏi về trái sơn tra.
Trước hết vị thuốc sơn tra là quả chín, thái mỏng, phơi hay sấy khô của cây "sơn tra Bắc" hay "sơn tra Nam". Ở Việt Nam các thầy thuốc Đông y thường dùng vị sơn tra chế từ trái cây "táo mèo"; người dân tộc Mèo, Tày gọi là "chi tô di" và cây "chua chát"; còn gọi là "sán sá".
Theo một số tài liệu, sơn tra (táo mèo) có tác dụng như "sơn tra Bắc", một số tỉnh miền Nam Trung Quốc thường nhập chua chát và táo mèo của ta về nước chế thành "sơn tra Bắc". Cách thay thế như vậy có hợp lý hay không, có lẽ cần tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện hơn. Táo mèo và chua chát, tuy là những trái cây có nhiều tác dụng tốt, nhưng đồng nhất những tác dụng của sơn tra với những tác dụng của táo mèo hay chua chát, theo chúng tôi nghĩ, có thể chưa đầy đủ căn cứ khoa học.
Trong quá khứ, Đông y và Tây y thường dùng sơn tra với những mục đích khác nhau. Trước đây Tây y coi sơn tra là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên hệ tuần hoàn, giảm đau và an thần. Từ sơn tra chế ra các tân dược dưới dạng cao lỏng hoặc cồn thuốc dùng để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, làm dịu thần kinh và giảm đau.
Như vậy có thể thấy kinh nghiệm sử dụng sơn tra để "cho giấc ngủ sâu" là có cơ sở, cháu có thể áp dụng thử. Có thể mua sơn tra ở hầu hết các hiệu thuốc Đông Nam dược vì đây là vị thuốc rất thông dụng. Ngoài ra, còn có thể mua ở các quầy thực phẩm khô vì sơn tra còn là thực phẩm.
Thời xưa Đông y chủ yếu dùng sơn tra như một vị thuốc chữa các bệnh hệ thống tiêu hóa. Theo Đông y, sơn tra có vị chua, ngọt, tính ôn, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Can. Có tác dụng hành khí, hóa ứ trệ, tiêu thực tích, giải độc cá, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau, lở sơn, ...
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy sơn tra có các tác dụng: Hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim, làm mạnh tim, giảm mỡ máu, xúc tiến tiêu hóa (cải thiện tiêu hóa và hấp thụ chất béo), ... Do có những tác dụng dược lý như trên, hiện tại sơn tra đã trở thành một vị thuốc thường được sử dụng trong lĩnh vực "mỹ dung" (làm đẹp), nhất là để giảm béo.
"Mỹ phẩm từ thiên nhiên" xin giới thiệu cách sử dụng sơn tra để giảm béo:
(1) Dùng sơn tra 12g, râu ngô 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
(2) Sơn tra 12g, kim ngân hoa 10g, cúc hoa 8g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
(3) Sơn tra 500g, rửa sạch, bỏ cuộng và hạt, cho vào nồi i-nốc, thêm lượng nước thích hợp, nấu chín nhừ, khi nước gần cạn hết thì thêm 200g mật ong, trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc cho mật ong ngấm kỹ vào sơn tra. Cất vào lọ dùng dần, nên bảo quản trong tủ lạnh. Hàng ngày sau bữa cơm, ăn 3-5 trái, thứ sơn tra nấu với mật ong như trên có tác dụng giảm mỡ ở vùng cằm và cổ rất tốt.
Trong thiên nhiên quanh ta có nhiều loại thảo dược có tác dụng an thần, chống mất ngủ, ví dụ như "lá vông nem", trái và cành lá cây "lạc tiên", nhân hạt "táo chua" sao đen, "tâm sen", ... Tuy nhiên, mỗi loại dược thảo chỉ thích hợp (có tác dụng tốt với một số người) với một số dạng mất ngủ nhất định. Vì vậy, tốt nhất cháu nên đến phòng khám Đông y, để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn một cách cụ thể.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.