Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tongkat Ali (cây bá bệnh) có tác dụng kỳ diệu đối với nam giới?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/07/2014 09:33 SA

Hỏi:

Cách đây mấy năm, Supai 99 Tongkat Ali Plus, thực phẩm chức năng dành cho phái "mày râu" do Malaysia sản xuất đã bị thu hồi do có chứa loại dược chất chống rối loạn cương dương giống như trong thuốc viagra. Thế nhưng, gần đây lại thấy một số báo lại giới thiệu về tác dụng kỳ diệu của Tongkat Ali - tức cây bá bệnh đối với nam giới, mới được phát hiện tại một số cơ sở nghiên cứu. Tôi rất thắc mắc, thực tế thì bá bệnh có những tác dụng gì? Rất mong "Thuốc vườn nhà" cung cấp cho những thông tin khách quan nhất về cây thuốc này.

Câu hỏi của một số độc giả

Đáp:

tongkat Ali, bá bệnh, bách bệnh, mật nhân, mật nhơn, hậu phác, tho nan, antongsar, antoung sar, Eurycoma longifolia Jack., Crassula pinnata Lour., họ Thanh thất (Simarubaceae)

"Tongkat Ali" là tên Malaixia của loài cây mà người Việt Nam ta vẫn gọi là "cây bá bệnh".

Trên thực tế, đó không phải là một vị thuốc mới được phát hiện thời gian gần đây mà là một vị thuốc đã được biết và nghiên cứu một cách tương đối toàn diện từ nhiều năm trước. Bằng chứng là, trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, xuất bản từ nhiều năm trước, bạn cũng có thể tìm thấy nhiều thông tin hữu ích về loài cây này.

Tongkat Ali - bá bệnh, còn có một số tên gọi khác, như "bách bệnh", "mật nhân", "mật nhơn", "hậu phác", "tho nan" (Lào), "antongsar", "antoung sar" (Campuchia), ... tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour.), thuộc họ Thanh thất (Simarubaceae).

Cây mọc hoang ở khắp nước ta, trong các rừng thưa, dưới tán của các cây gỗ lớn, phổ biến nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên, và miền Đông Nam Bộ. Còn thấy ở Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxya, ...

Từ thời xưa, tại nhưng nơi có cây này mọc, dân gian đã dùng quả, vỏ thân và vỏ rễ làm thuốc chữa bệnh.

Về mặt thực vật, Tongkat Ali (bách bệnh) là loài cây nhỏ, cao cỡ 2-8m, có lông ở nhiều bộ phận. Lá kép lông chim lẻ, gồm 10-36 đôi lá chét, mọc đối, hầu như không có cuống, hình trứng dài, dày, nhẵn hoặc có lông ở mặt dưới, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng xóa, cuống có màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm kép hoặc chùm tán, mọc ở ngọn, cuống có lông màu gỉ sắt; hoa màu đỏ nâu, hoa và bao hoa phủ đầy lông. Quả hạch hình trứng, hơi dẹt, có rãnh ở giữa, khi chín màu vàng đỏ, nhẵn, hơi thuôn dài, đầu tù và cong, mặt trong có lông thưa và ngắn. Trong quả có một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn. Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 11.

Từ nhiều năm trước, khoa học đã phát hiện trong vỏ cây bách bệnh chứa một chất đắng gọi là quasin. Năm 1964, từ vỏ cây bách bệnh mọc ở Biên Hòa, Trảng Bom, Định Quán, Lê Văn Thới và Nguyễn Ngọc Sương đã chiết được một hydroxyxeton, sitosterol, campesterol, hai chất đắng là eurycomalacton và 2,6 dimetoxybenzoquinon.

Từ xưa, ở Việt Nam, dân gian thường dùng vỏ cây để chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng; lấy vỏ phơi khô, tán bột, ngâm rượu hay làm thành viên uống, với liều 4-6g. Quả được dùng để chữa lỵ.

Tại Campuchia người ta dùng rễ chữa ngộ độc và say rượu, trị giun. Lá còn được dùng tắm ghẻ, lở ngứa, ...

Nhiều khả năng, do cây có thể chữa trị được nhiều loại bệnh tật như vậy, nên mới đặt tên là "cây bách bệnh".

Thời gian gần đây, theo một số tài liệu chúng tôi có trong tay, tại Malaixia, cây tongkat ali - cùng với thiếc và tổ yến, được tôn vinh là 3 thứ của quý giá nhất của quốc gia (tam đại quốc bảo). Từ xưa, người Malaixia và Inđônêxia đã dùng rễ cây bách bệnh sắc nước uống để tăng cường thể lực và kéo dài tuổi xuân. Tại Malaixia, cây còn được mệnh danh là "thuốc cường dương thiên nhiên", "thuốc kích dục thiên nhiên" (thiên nhiên thôi tình dược), ... Kết quả nghiên cứu gần đây tại Malaixia cho thấy, rễ cây bách bệnh chứa một số hoạt chất có tác dụng kích thích phát triển cơ bắp và làm tăng nồng độ nội tiết tố sinh dục nam, ...

Tuy nhiên, có một số điều khiến cho người ta nghi ngại và thắc mắc.

Thứ nhất là, nếu như tongkat ali - bách bệnh thực sự có tác dụng cường dương như vậy, thì tại sao trong sản phẩm Supai 99 Tongkat Ali Plus (gọi tắt là Supai 99) do Malaysia sản xuất, bán tại Việt Nam năm ngoái lại có thêm dược chất như trong thuốc viagra.

Thứ hai, ở nước ta cây bách bệnh đã được sử dụng để chữa bệnh từ thời xưa, như vậy hoặc là tác dụng cường dương mạnh của cây đã được giữ kín, hoặc là cây không có tác dụng cường dương.

Để trả lời những câu hỏi trên, cần có thời gian. Còn hiện tại, nếu muốn sử dụng cây bách bệnh để chữa bệnh tại gia đình, theo chúng tôi nghĩ trước mắt chỉ nên áp dụng những kinh nghiệm truyền thống, đã được kiểm nghiệm từ lâu đời ở nước ta.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]