Hỏi:
Tháng trước tự nhiên tôi thấy ở trên ngực xuất hiện một nốt hồng hồng, hơi gồ cao trên mặt da, ban đầu chỉ bằng chiếc cúc áo rồi cứ to lên dần trên mặt có một lớp vẩy mỏng như cám, hiện tại nó đã lan rộng gần bằng quả trứng gà. Tuần trước lại thấy trên ngực có thêm nhiều nốt khác nhỏ hơn nhưng cũng có phủ một lớp cám ở trên. Tôi rất lo vì hỏi nhiều người mà không ai biết là bệnh gì. Có người nói là bị mắc bệnh vẩy nến, không biết có phải không? Rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ cho biết tôi đã mắc phải thứ bệnh gì? Có thể dùng cây cỏ để chữa trị được không?
Nguyễn Thị T. Thị trấn Đại Từ, Thái Nguyên
Đáp:
Theo như mô tả bệnh của bạn không phải "vẩy nến" - một căn bệnh dai dẳng và rất khó chữa, nên không cần lo lắng quá nhiều. Bạn đã mắc phải chứng "vẩy cám hồng" - một loại bệnh nhẹ hơn và có thể chữa khỏi trong một thời gian tương đối ngắn. "Vẩy cám hồng" là một bệnh ngoài da thường gặp.
Tây y gọi đó là "Pityriasis rosea" - là "Bệnh vẩy cám dạng hoa hồng"; bệnh được đặt tên như vậy vì nốt ban có màu đỏ như là hoa hồng và trên bề mặt có phủ một lớp mạt mỏng, mịn như cám.
Đông y thường gọi bệnh này là "tử mẫu sang" vì ban đầu chỉ xuất hiện với một nốt ban tương đối to gọi là "ban mẹ" (mẫu ban), sau đó (khoảng 1-2 tuần) mới xuất hiện thêm hàng loạt những nốt ban nhỏ hơn gọi là "ban con" (tử ban).
"Vẩy cám hồng" là một bệnh viêm da có giới hạn (thường phát ra ở ngực và lưng), chỉ giới hạn từ cổ tới đầu gối không lan lên đầu, mặt, cẳng tay và cẳng chân. Khi phát ra ở ngực hay ở lưng các nốt ban thường xuất hiện dọc theo các xương sườn.
"Vẩy cám hồng" thường phát tác trong hai mùa xuân - thu, nhưng cũng có thể xuất hiện trong cả các mùa khác. Thường gặp ở độ tuổi thanh niên và trung niên, nữ giới bị mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Y học hiện đại vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, có giả thuyết cho rằng bệnh do vi-rút gây nên. Nếu cơ thể có sức đề kháng tốt, sau 4-6 tuần bệnh sẽ tự khỏi, không cần chữa trị. Nhưng nếu cơ thể vốn đã suy yếu, bệnh lan rộng, không được xử lý thích đáng, sẽ có thể chuyển thành "bệnh đỏ da" (erythroderma, erythrodermia) - một chứng bệnh nặng và khó chữa.
Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh là do khí huyết trong cơ thể vốn đã suy yếu (chủ yếu là "huyết táo" - một trạng thái bệnh lý trong Đông y) lại bị "phong nhiệt" (một loại tác nhân gây bệnh) từ bên ngoài xâm nhập vào mà gây nên.
Để chữa trị có thể sử dụng một số bài thuốc uống trong và bôi ngoài như sau:
• Thuốc uống trong:
(1) Dùng huyền sâm 20g, lá tre 15g, sinh địa 12g, hoa hòe 12g, mạch môn (củ tóc tiên) 10g, đương quy 10g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
(2) Dùng rễ cây bọ mẩy 30g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
• Thuốc bôi ngoài:
(1) Dùng lá cây bọ mẩy tươi (nhiều ít tùy thuộc diện tích da bị bệnh), rửa sạch, hong khô, giã nát, vắt lấy nước cốt. Dùng bông sạch thấm nước cốt, bôi lên chỗ bị bệnh, ngày 3-4 lần.
(2) Dùng lá cây khổ sâm tươi, rửa sạch, hong khô, giã nát, vắt lấy nước cốt, trộn với mật lợn (theo tỷ lệ 1:1), đổ vào lọ, bảo quản trong tủ lạnh. Ngày dùng bông thấm mật thuốc chấm lên chỗ bị bệnh 3 lần.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.