Hỏi:
Cháu có một câu hỏi muốn được "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" giải đáp giúp: Lá bạc hà còn có tên gì khác? Công dụng? Cách sử dụng để giữ gìn vẻ đẹp? Mong lương y vui lòng giải đáp giúp. Cháu chân thành cảm ơn.
Khánh Hồng, Quảng Nam
Đáp:
Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở nước ta, cả ở đồng bằng và ở miền núi. Cây còn có tên là "bạc hà nam", "nạt mặn", "cha piac bom" (Tày), tên khoa học là Mentha arvensis L., họ Hoa môi (Labiatae).
Bạc hà là vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y. Cây bạc hà cho ta những vị thuốc:
1. Bạc hà: Toàn bộ phần cây trên mặt đất;
2. Bạc hà diệp: Lá bạc hà;
3. Tinh dầu bạc hà: Dầu cất từ cây bạc hà;
4. Mentol (bạc hà não): Chất đặc, trắng chiết từ tinh dầu bạc hà ra.
Bạc hà là một vị thuốc thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ sốt; dùng chữa cảm cúm, mũi ngạt, đầu nhức, còn xúc tiến tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài, ...
Một vài đơn thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe và giữ gìn vẻ đẹp:
(1) Xúc tiến tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng: Dùng lá bạc hà hay toàn bộ cây bạc hà (bỏ rễ) 5g khô hoặc 15g tươi; hãm với 200ml nước sôi; chia ra uống, cách khoảng 3 giờ uống 1 lần.
(2) Chữa viêm da tiết bã (seborrhoeic dermatitis): Dùng lá bạc hà, lá ngải cứu (thuốc cứu) - mỗi thứ 50g; sắc lấy nước; rửa những chỗ da bị viêm, hoặc gội đầu (nếu da đầu bị viêm).
(3) Chữa mụn trứng cá: Dùng lá bạc hà, đan sâm - hai thứ lượng bằng nhau; sắc lấy nước đặc; dùng bông thấm nước thuốc, bôi lên chỗ da có trứng cá, ngày bôi 3 lần.
(4) Chữa bệnh chàm (eczema): Dùng cành lá bạc hà 25g, bèo cái 12g; sắc lấy nước đặc; rửa chỗ da bị bệnh.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.