Hỏi:
Gần đây tôi nghe nói, có thể sử dụng sừng trâu để chữa trị các chứng xuất huyết. Tôi không biết có đúng hay không. Ngoài ra sừng trâu có những tác dụng gì, cách sử dụng cụ thể ra sao. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích giúp.
Lê Kim Anh, TP. Nam Định
Đáp:
Sừng trâu đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trước trong Đông y. Trong các sách Đông dược dùng cho lâm sàng, sừng trâu được xếp vào loại thuốc "thanh nhiệt lương huyết".
Nghiên cứu hiện đại cho thấy: Có thể sử dụng sừng trâu thay thế sừng tê giác trong điều trị rất nhiều loại bệnh, ví dụ như viêm não B, sốt xuất huyết, trẻ nhỏ sốt nóng, ban xuất huyết, thần kinh phân liệt, tai biến mạch máu não, ...
Theo Đông y: Sừng trâu có vị đắng, tính hàn (lạnh); vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, định kinh. Dùng chữa sốt cao, hôn mê nói lảm nhảm, kinh phong, điên cuồng, các chứng xuất huyết như thổ huyết, nục huyết (đổ máu cam), ban xuất huyết do huyết nhiệt, ...
Cách chế biến và sử dụng: Sừng trâu rắn, nhưng sau khi hấp khoảng 1 giờ sẽ mềm ra, dễ dàng thái nhỏ. Khi sử dụng sừng trâu để thay thế sừng tê giác trong các phương thuốc cổ, cần dùng lượng gấp 10 lần sừng tê giác. Khi sử dụng trong thuốc thang (nấu nước uống), cần sắc trước sừng trâu khoảng 2-3 giờ, sau đó mới cho các vị thuốc còn lại vào.
Liều dùng: 15-30g sắc nước, tán bột hoặc mài lấy nước uống.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn (lạnh bụng, tiêu hóa kém) cần thận trọng khi sử dụng.
Một số cách sử dụng cụ thể:
(1) Chữa các chứng xuất huyết nghiêm trọng:
Thời còn làm việc ở nông thôn, bác sĩ Vương Thu Đào, người Giang Tây, đã cho bệnh nhân mài sừng trâu uống, khi chữa trị các chứng sốt cao hôn mê do "nhiệt nhập doanh huyết" và các chứng ho ra máu, đổ máu mũi, đại tiện ra máu, băng lậu, ... kết quả rất tốt.
Đặc biệt trường hợp một nam bệnh nhân 60 tuổi, bị lao phổi, liên tục nhiều ngày ho ra rất nhiều máu, đã sử dụng đủ các biện pháp của Tây y và Đông y đều không có kết quả, chỉ còn cách bó tay chờ chết. Bác sĩ Đào đã bảo người nhà dùng một cái bát nhám, mài sừng trâu với chút nước cho uống nhiều lần trong ngày. Suốt 2 ngày liền, sừng trâu đã mòn khoảng 2 đốt ngón tay, hễ có ai đến thăm lại bảo mài sừng trâu cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân uống vào cảm thấy ngực mát mẻ dễ chịu lạ thường, nên cứ đòi người nhà cho uống mãi; máu ngừng chảy dần và cuối cùng đã hồi phục lại. Sau khi hết ho ra máu, bệnh nhân cảm thấy nước sừng trâu tanh không thể chịu nổi, mới ngừng cho uống (Gia đình Trung y dược).
(2) Chữa ban xuất huyết (tử điến) do dị ứng: Sừng trâu 40-100g, sinh địa hoàng 10-30g, xích thược 10-20g, đan bì 10-20g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, trường hợp bệnh nặng ngày 2 thang. Đã thử nghiệm điều trị 54 ca ban xuất huyết do dị ứng, 33 ca kết quả rõ ràng, 17 ca có tác dụng, 4 ca không có tác dụng (Hồ Bắc Trung y tạp chí).
(3) Chữa ban xuất huyết (tử điến) do giảm tiểu cầu: Sừng trâu 50g, đậu phụ 500g; sừng trâu cưa nhỏ hoặc đập vụn, cho vào nồi đất, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa nửa giờ, cho đậu phụ vào nấu tiếp khoảng 15 phút nữa là được, thêm mắm muối cho hợp khẩu vị, ăn đậu phụ và uống nước canh. Có tác dụng lương huyết chỉ huyết; dùng chữa trẻ nhỏ ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, với những biểu hiện thuộc chứng huyết nhiệt (Gia đình Trung y dược).
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.