Trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi người đều có thể dễ dàng cảm nhận
thấy mối quan hệ giữa thời gian với trạng thái sinh lý, tâm lý, hiệu
suất lao động, cũng như sự phát sinh bệnh tật và hiệu quả điều trị bệnh
tật.
Khoa học hiện đại đã chứng thực ảnh hưởng của thời gian
đối với nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, cường độ hô hấp, sự lên xuống của
huyết áp, nồng độ của các nội tiết tố, cũng như sức chịu đựng của cơ thể
đối với kích thích từ môi trường bên ngoài, ... Thí dụ, trong một ngày
đêm, nhiệt độ cơ thể lên cao nhất trong khoảng thời gian từ 3-6 giờ
chiều; còn nồng độ hoóc-môn vỏ tuyến thượng thận trong máu đạt giá trị
tối cao trong khoảng thời gian từ 7-9 giờ sáng, ... Đó là những hiện
tượng được Y học hiện đại gọi là "đồng hồ sinh học của cơ thể". Ngoài
những biến động theo "đồng hồ ngày đêm" như trên, cơ thể con người còn
hoạt động theo nhịp điệu của nhiều loại đồng hồ sinh học khác, như "đồng
hồ sinh học tháng", "đồng hồ sinh học mùa", "đồng hồ sinh học năm", ...
Mối
quan hệ giữa thời gian với sức khỏe và bệnh tật đã được các thầy thuốc
Đông y biết đến từ xưa và đã được luận thuật một cách có hệ thống trong
bộ sách "Hoàng Đế Nội Kinh" từ hơn 2000 năm trước. Từ thời đó,
các thầy thuốc Đông y đã phát hiện nhiều loại "cấu trúc thời gian" (đồng
hồ sinh học), có liên quan đến các quá trình sinh lý và bệnh lý của cơ
thể. Điều đặc biệt hơn là, Đông y không chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức,
tức nhận biết được ảnh hưởng của thời gian đối với cơ thể, mà còn sáng
tạo ra cả một hệ thống các nguyên tắc, phương pháp trị liệu hữu hiệu,
dựa trên các quy luật biến động của cơ thể cùng với thời gian. Đông y
gọi đó là "Nhân thời chế nghi" hoặc là "Thời trị liệu".
Như ta biết, trong Đông y, có nhiều nguyên tắc và phương pháp chữa bệnh cụ thể. Tùy theo mức độ trừu tượng cao hay thấp và phạm vi ứng dụng rộng hay hẹp, các nguyên tắc và phương pháp được phân chia thành những cấp độ cao thấp khác nhau. Cấp độ cao nhất, bao gồm những khái niện, những tư tưởng cơ bản, có tính chỉ đạo, "Nhân thời chế nghi" là một trong những nguyên tắc ở cấp độ này. Cùng với "Trị bệnh cầu bản" - chữa bệnh tìm gốc, "Nhân thời chế nghi", cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản, tổng quát nhất, trong lý luận về trị liệu học của Đông y cổ truyền.
• Tứ thời dụng dược:
Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của nguyên tắc "Nhân thời chế
nghi" là phương pháp lựa chọn tính năng của thuốc theo mùa. Một năm có 4
mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, khí hậu có lúc nóng lúc lạnh. Những biến
đổi của khí hậu theo thời gian như vậy, đều ảnh hưởng tới hoạt động sinh
lý và bệnh lý của cơ thể. Do đó, trong quá trình chữa trị bệnh tật, cần
căn cứ vào đặc điểm của thời tiết khí hậu, mà chế định ra phương pháp
chữa trị, sử dụng những vị thuốc có tính năng thích hợp.
Mùa hè Dương khí thịnh, khí hậu nóng bức, Dương khí trong nhân thể cũng
đang thăng phát, tấu lý (da thịt và lỗ chân lông) khai tiết, dễ vã mồ
hôi; do đó dù có bị bệnh do nhiễm phải hàn tà, cũng không nên sử dụng
những vị thuốc tân nhiệt (cay nóng), có tính năng phát tán quá mạnh, để
tránh làm "thương tân hao khí" (tổn thương tân dịch và hao tổn nguyên
khí). Thí dụ, mùa hè bị cảm do nhiễm lạnh (Đông y gọi là chứng "âm
thử"), chỉ dùng nên dùng "hương nhu", "tía tô", ... để giải cảm, chứ
không dùng các vị thuốc tân ôn phán tán mạnh, như "ma hoàng", "quế chi",
...
Tới mùa đông, Âm khí thịnh, Dương khí trong nhân thể
bế tàng bên trong, tấu lý (da thịt và lỗ chân lông) co kín lại, khi mắc
bệnh do nhiễm phải hàn tà, thì có thể sử dụng các vị thuốc tân nhiệt
(như "ma hoàng", "quế chi", ... ), có công năng phát tán mạnh để chữa.
Mặt khác, vào những ngày mùa đông, nếu mắc phải các chứng bệnh nhiệt,
khi sử dụng các vị thuốc hàn lương (lạnh mát) để thanh nhiệt cần phải
thận trọng, để khỏi làm tổn thương Dương khí.
Như vậy, khi
chữa trị các bệnh ngoại cảm, cần chú ý lựa chọn những vị thuốc phù hợp
với đặc điểm khí hậu từng mùa, đồng thời trong từng mùa cũng có những vị
thuốc cần thận trọng trong khi sử dụng. Nói chung, mùa xuân khí hậu ấm
áp, nên sử dụng những vị thuốc tân lương (cay mát); mùa hạ khí hậu nóng
bức, nên sử dụng vị thuốc hàn lương (mát lạnh), thận trọng khi sử dụng
vị thuốc ôn nhiệt (ấm nóng); mùa thu khí hậu khô hanh, nên dùng các vị
thuốc có tác dụng nhuận táo; mùa đông khí hậu giá lạnh, nên dùng các vị
thuốc tân ôn (cay ấm), thận trong khi sử dụng vị thuốc hàn lương (lạnh
mát). Đó chính là sử dụng thuốc theo nguyên tắc "Dụng hàn viễn hàn. Dụng
nhiệt viễn nhiệt” - nghĩa là, mùa lạnh tránh lạm dụng các vị thuốc hàn
lương, mùa nóng tránh lạm dụng các thuốc ôn nhiệt.
• Nhân thời biện trị:
Theo thuyết Âm Dương trong Đông y, ban ngày là Dương, ban đêm là Âm;
Khí là Dương và Huyết là Âm. Do "đồng khí tương cầu", các chứng bệnh
liên quan đến Dương Khí, thường xuất hiện, phát tác ban ngày; còn các
chứng bệnh liên quan đến Âm Huyết, thường hay xuất hiện, phát tác ban
đêm.
Thí dụ, để phân biệt bệnh chứng Âm Dương, trong sách "Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư",
Tuệ Tĩnh đã viết: "Bệnh Dương thì ban ngày tăng lên mà ban đêm yên
tĩnh, đó là Dương bệnh có dư, Khí bị bệnh mà Huyết không bị bệnh. Bệnh
Âm thì ban đêm tăng lên mà ban ngày yên tĩnh, đó là Âm bệnh có dư, Huyết
bị bệnh mà Khí không bị bệnh ...".
Hay như, đối với tình
trạng mồ hôi tiết xuất dị thường, mà Đông y gọi là "hãn chứng", có thể
căn cứ vào thời gian tiết xuất, mồ hôi để phân loại chứng trạng, xác
định nguyên nhân và tìm ra phép chữa thích hợp. Nói cụ thể hơn, nếu mồ
hôi tiết xuất vào ban ngày, lúc tỉnh táo, không do tác động của môi
trường, hễ hoạt động là vã mồ hôi, gọi là "tự hãn" (tự ra mồ hôi). Đông y
cho rằng, nguyên nhân do "Dương khí bất cố" (Dương khí không vững chắc)
gây nên. Trên lâm sàng thường sử dụng bài thuốc "Ngọc bình phong tán",
có tác dụng "bồi bổ dương khí", làm cho "thể biểu" được vững chắc, chữa
trị đạt kết quả tốt. Ngược lại, trường hợp mồ hôi tiết xuất vào ban
đêm, trong lúc đang ngủ, khi tỉnh giấc mồ hôi lại cầm, gọi là "đạo hãn"
(mồ hôi trộm). Đông y cho rằng, nguyên nhân do "Âm huyết suy tổn", mất
khả năng thu liễm, khiến mồ hôi tiết ra khi ngủ; tình trạng "Âm huyết hư
tổn" thường kèm theo "nội nhiệt"; "nội nhiệt" hun đốt ở bên trong,
khiến mồ hôi tiết xuất ra ngoài, thành mồ hôi trộm. Do đó, để chữa trị,
ngoài việc dùng phép chữa "Tư bổ âm huyết", thường kèm theo cả phép
"thanh nhiệt"; dùng bài thuốc "Đương quy lục hoàng thang", có tác dụng tư âm và thanh nhiệt, chữa trị trên lâm sàng có kết quả tốt.
Tương tự, đối với chứng phát sốt, Đông y cũng căn cứ vào nhịp điệu Âm
Dương của ngày đêm, để xác định nguyên nhân và tìm ra biện pháp chữa trị
hữu hiệu. Phát sốt ban ngày, nguyên nhân do "Dương khí quá thịnh", để
chữa trị chủ yếu sử dụng phép "thanh nhiệt"; phát sốt ban đêm, nguyên
nhân chủ yếu là "Âm huyết hư suy"; chữa trị chủ yếu sử dụng phép "tư
âm”.
Trong Đông y, các hình thức ứng dụng nguyên tắc "Nhân
thời chế nghi" (đồng hồ sinh học) trong dự phòng và điều trị bệnh tật
hết sức phong phú. Trong châm cứu, có các phép chọn huyệt theo thời gian
như "Tý ngọ lưu chú", "Linh quy bát pháp" và "Phi đằng bát pháp" hết
sức nổi tiếng và đã được đề cập nhiều, xin không nhắc lại.
• Bài thuốc minh họa:
(1) Ngọc bình phong tán:
- Thành phần: Hoàng kỳ 12g, bạch truật 6g, phòng phong 6g; sắc nước uống trong ngày. Hoặc chế thành thuốc tán, ngày uống 9g, chia 2 lần uống.
- Công dụng: Bổ khí, cố biểu, chỉ hãn.
- Chứng thích hợp: Khí hư tự hãn; dễ bị cảm mạo.
- Phân tích:
Tự hãn và cảm mạo, đều là do "biểu hư bất cố". Nói "biểu hư" có nghĩa
là "vệ khí hư tổn". Vệ khí phân bố ở "tấu lý", có chức năng ngăn chặn tà
khí xâm nhập vào cơ thể và "nội cố tân dịch" (không cho tân dịch tiết
ra ngoài). Một khi vệ khí bị suy yếu, tấu lý không bền chặt - "hàng rào"
bao quanh cơ thể không chắc chắn, thì phong tà bên ngoài có thể xâm
nhập vào và tân dịch bên trong có thể tiết ra ngoài dưới dạng mồ hôi. Vì
vậy chứng "tự hãn" và dễ cảm phong tà đều là do "biểu hư bất cố" dẫn
đến.
(2) Đương quy lục hoàng thang:
- Thành phần:
Đương quy 9g, sinh địa hoàng 12g, thục địa hoàng 12g, hoàng cầm 6g,
hoàng bá 6g, hoàng liên 6g, hoàng kỳ 15g; sắc với nước, ngày uống 1
thang, chia 2 lần uống.
- Công dụng: Tư âm tả hỏa, bổ khí huyết, cầm mồ hôi trộm.
- Chứng thích hợp: Chữa âm hư hỏa vượng; đạo hãn; miệng khô, tâm phiền, lưỡi đỏ thẫm, mạch hư sác.
- Phân tích:
Sinh địa và thục địa có tác dụng tư âm. Hoàng cầm, hoàng bá và hoàng
liên có tác dụng tả hỏa. Đương quy, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí huyết.
Các vị thuốc phối hợp với nhau, tạo nên tác dụng hiệp đồng: Tư âm thanh
hỏa, cố biểu chỉ hãn; có thể sử dụng chữa đạo hãn do âm hư hỏa vượng,
khí huyết hư nhược.
* Chú ý: Người tỳ vị hư nhược, không thích hợp sử dụng bài thuốc này.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.