Giải mã Đông y

Ngũ vận lục khí năm Nhâm Thìn 2012 - Thử cùng chiêm nghiệm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/01/2012 08:46 CH

nhâm thìn, con rồng, rồng

Vận Khí học quan niệm: Có một số phép tắc chung có tính phổ quát chi phối tất cả các biến động trong vũ trụ, từ vận hành của thiên thể, biến động của thời tiết khí hậu, cho đến sự biến đổi của sinh vật và phi sinh vật.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đối với một số năm cụ thể hoặc một số địa điểm cụ thể, các dự báo theo Vận Khí học có thể chưa thật phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất và cũng là giá trị vĩnh hằng của Vận Khí học là: Đã phát hiện được những quy luật cơ bản và xác định chính xác những chu kỳ, phản ánh đúng sự biến thiên có tính tuần hoàn của thời tiết khí hậu hàng năm và tác động đối với sức khỏe và tật bệnh.

Hiện nay, tuy khí hậu trái đất đã biến đổi nhiều so với thời xưa nhưng đối chiếu với những dự báo của Vận Khí học về năm Tân Mão vừa qua, ta sẽ thấy về cơ bản phù hợp thực tế.

Thí dụ, như bài Vận Khí năm Tân Mão 2011 nhận định: "... thủy vận bất cập, dương khí phản thịnh, nên mùa đông không lạnh mà khí hậu lại tương đối ấm". Thực tế cho thấy, mùa đông năm vừa qua đúng là ấm hơn bình thường. Cuối tháng 11/2011 sau tiết Tiểu Tuyết, khí hậu mới chuyển lạnh thực sự đúng như đã dự báo: "Khí hậu chính thường (lạnh)". Hay như dự báo: Trong năm có 2 giai đoạn (Nhị khí và Tứ khí) khí hậu biến động dị thường, cũng cơ bản phù hợp tình hình thực tế.

Nay, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm về năm Nhâm Thìn.

1. Xét tổng thể:

    Năm Vận Khí Nhâm Thìn khởi đầu từ tiết Đại Hàn (20/01/2012) và kết thúc vào trước tiết Đại hàn năm sau (20/01/2013).

    Tuế vận: Mộc vận thái quá. Tuế Khí: Thái Dương hàn thủy tư thiên; Thái âm thấp thổ tại tuyền.

    Mộc vận thái quá, phong khí thiên thịnh, toàn năm gió nhiều. "Thái dương hàn thủy" tư thiên, hàn khí chủ sự, nửa đầu năm khí hậu nói chung lạnh hơn bình thường. "Thái âm thấp thổ" tại tuyền, thấp khí chủ sự, nửa cuối năm mưa nhiều và độ ẩm cao hơn bình thường. Nhìn chung, toàn năm có 3 nhân tố chính ảnh hưởng mạnh nhất đối với khí hậu: Phong, Hàn và Thấp.

    • Vận khí tương lâm:

        (1) Vận khí sinh khắc

            Vận sinh khí = Tiểu nghịch (小逆); Vận khắc khí = Bất hòa (不和); Khí sinh vận = Thuận hóa (顺化); Khí khắc vận = Thiên hình (天刑).

            Năm Nhâm Thìn: Vận = Mộc; Khí = Thủy; Thủy sinh Mộc – Khí sinh Vận: Nhâm Thìn là một năm "Thuận hóa": Tần suất phát sinh tật bệnh nhìn chung tương đối thấp.

        (2) Vận Khí thịnh suy

            Sinh giả, khắc giả vi thịnh; Bị sinh, bị khắc giả vi suy.

            Năm Nhâm Thìn: Vận = Mộc; Khí = Thủy; Thủy sinh Mộc – Khí sinh Vận. Vận khí học gọi đó là "Khí thịnh vận suy"; Khi phân tích, luận đoán sẽ lấy khí làm chủ, vận làm thứ yếu. Khi phân tích tình hình biến đổi của khí hậu toàn năm, chủ yếu là dựa vào lý luận lục khí.

        (3) Tương đắc, Thuận nghịch:

            Chủ khách tương sinh hoặc chủ khách tương đồng là "tương đắc": Khí hậu chính thường, ít phát sinh tật bệnh. Chủ khách tương khắc là "bất tương đắc": Khí hậu phản thường, dễ phát sinh bệnh tật.

            "Chủ thắng nghịch, Khách thắng tòng": Khách khí sinh chủ khí hoặc khách khí thắng (khắc) chủ khí là "thuận", ngược lại là nghịch. Ngoài ra, đối với "Quân hỏa" và "Tướng hỏa": "Quân vị thần tắc thuận, thần vị quân tắc nghịch": Quân (vua) ở trên thần (quan) là thuận, thần ở trên quân là nghịch.

            Sự biến hóa của lục khí trong từng giai đoạn chủ yếu căn cứ vào quan hệ "tương đắc – bất tương đắc" và "nghịch – tòng" giữa chủ khí và khách khí. Hãy xét tình hình cụ thể từng giai đoạn trong năm Nhâm Thìn.

2. Luận từng giai đoạn:

Chủ khí - Khách khí năm Nhâm Thìn

Thứ tự

các Khí

Sơ khí (1)

Nhị khí (2)

Tam khí (3)

Tứ khí (4)

Ngũ khí (5)

Chung khí (6)

Thời điểm bắt đầu

Đại hàn

20/01/2012

Xuân phân

20/03/2012

Tiểu mãn

20/05/2012

Đại thử

22/07/2012

Thu phân

22/09/2012

Tiểu tuyết

22/11/2012

Chủ khí & Khí hậu

Quyết âm Phong Mộc

Thiếu âm Quân Hỏa

Thiếu dương Tướng Hỏa

Thái âm Thấp Thổ

Dương minh Táo Kim

Thái dương Hàn Thủy

Gió ấm

Nóng

Rất nóng

Nóng ẩm

Khô mát

Lạnh

Khách khí & Khí hậu

Thiếu dương Tướng Hỏa

Dương minh Táo Kim

 

Thái dương Hàn Thủy

(Tư thiên)

Quyết âm Phong Mộc

Thiếu âm Quân Hỏa

Thái âm Thấp Thổ

(Tại tuyền)

Nóng

Khô

Lạnh

Nhiều gió

Nóng ấm

Ẩm thấp










(1) Từ Đại Hàn đến Xuân Phân (Sơ khí):

        Chủ khí = Quyết âm Phong mộc.

        Khách khí = Thiếu dương Tướng hỏa.

        Mộc sinh Hỏa, Chủ sinh Khách = Tương đắc; Nghịch (tương đắc trung chi nghịch): Khí hậu chính thường.

Dương khí bắt đầu thăng phát, thời tiết ấm lên dần. Tuy nhiên, người bẩm sinh yếu ớt, cơ thể suy nhược sau khi bệnh nặng, cần chú ý đề phòng cảm mạo, thương phong.

    (2) Từ Xuân Phân đến Tiểu Mãn (Nhị khí):

        Chủ khí = Thiếu âm Quân hỏa.

        Khách khí = Dương minh Táo kim.

        Hỏa khắc Kim, Chủ khắc Khách = Bất tương đắc; Nghịch (bất tương đắc trung chi nghịch). Tuy nhiên, khí tư thiên chủ quản nửa đầu năm là Thái dương Hàn thủy, Thủy của Tư thiên có thể khắc Hỏa của Chủ khí. Chủ khí Hỏa bị sự khắc chế không còn đủ sức để khắc chế khách khí Kim. Từ đó, "bất tương đắc" biến thành "tương đắc", "nghịch" trở thành "thuận". Do đó, khí hậu trong giai đoạn này vẫn chính thường.

        Khí hậu từ ấm chuyển nóng và khô. Người Âm hư đa hỏa, Tâm âm bất túc, dễ có những chứng trạng như ngực sườn đầy tức, mất ngủ, ngủ mơ nhiều, tiểu tiện sẻn đỏ, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ... Dự phòng ngừa có thể dùng sinh địa, huyền sâm, mạch môn, trúc diệp (lá tre), kim ngân hoa, ... sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (3) Từ Tiểu Mãn đến Đại Thử (Tam khí):

        Chủ khí = Thiếu dương Tướng hỏa.

        Khách khí = Thái dương Hàn thủy - Tư thiên.

        Thủy khắc Hỏa, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận).

        Khí hậu biến đổi dị thường, dễ phát sinh bệnh. Thời tiết đáng lẽ nóng nhưng không nóng mà lại mưa nhiều. Giai đoạn này người tố chất Tâm Thận Dương hư, rất dễ bị cảm mạo phong hàn. Chứng trạng: Phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, chân tay lạnh, phiền táo, ỉa chảy, tức ngực, thở gấp, tâm loạn nhịp đập dồn từng hồi (tâm quý), môi lưỡi tím tái, ... Chữa trị cần sử dụng các vị thuốc như tía tô, kinh giới, nhân sâm, bạch truật, khương hoạt, sinh khương (gừng tươi), thông bạch (hành hoa), ... để ôn dương ích khí, tán hàn giải biểu. Để dự phòng có thể dùng sinh khương, thông bạch và đại táo, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (4) Từ Đại Thử đến Thu Phân (Tứ khí):

        Chủ khí = Thái âm Thấp thổ.

        Khách khí = Quyết âm Phong mộc.

        Mộc khắc Thổ, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Tuy nhiên, khí tại tuyền – chủ quản nửa cuối năm là Thái âm Thấp thổ, Thổ khí Tại tuyền hỗ trợ Thổ khí Chủ khí, nhờ đó mà Thổ khí vượng lên, đủ sức tạo thế cân bằng với phong Mộc của Khách khí. Từ đó "bất tương đắc" biến thành "tương đắc", khí hậu chính thường.

        Từ sau Đại thử, khí hậu bớt nóng và mát dần, độ ẩm không khí cũng tăng lên. Giai đoạn này, người Tỳ vị hư nhược, rất dễ nhiễm thời tà thấp nhiệt. Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, sợ lạnh hoặc lúc nóng lúc lạnh về buổi chiều (ngọ hậu hàn nhiệt), đầu nặng, mình mẩy và chân tay bải hoải, miệng háo không thích uống nhiều nước, ngực bụng đầy trướng, kém ăn, lợm giọng buồn nôn, ... Chữa trị cần sử dụng những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, như hoàng đằng, hoàng liên, hoàng bá, kim ngân hoa, chi tử, hậu phác, bạch chỉ, thương truật, bạch truật, phục linh, đại phúc bì, ý dĩ nhân, bạch biển đậu, xa tiền tử, ...

    (5) Từ Thu Phân đến Tiểu Tuyết (Ngũ khí):

        Chủ khí = Dương minh Táo kim.

        Khách khí = Thiếu âm Quân hỏa.

        Hỏa khắc Kim, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Khí hậu biến động dị thường: Khí hậu đáng lẽ mát lại khô và nóng, nhiều gió ít mưa.

        Giai đoạn này, người thể chất Âm hư dễ bị mắc chứng bệnh ôn táo. Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, không sợ lạnh, miệng khô, lưỡi háo, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện bí kết, ho khan, khạc ra máu, ngực bụng tức đầy, chảy máu mũi, đại tiện ra máu, chảy máu chân răng, khát nước, ... Chữa trị cần sử dụng những vị thuốc sinh tân nhuận táo, tư dưỡng Phế Tỳ, như sinh địa, thiên môn, mạch môn, huyền sâm, kỷ tử, thạch hộc, hắc hi ma (vừng đen), ô mai, bạng đại hải, ngũ vị tử, hòe giác, ...

    (6) Từ Tiểu Tuyết đến Đại Hàn (Chung khí):

        Chủ khí = Thái dương Hàn thủy.

        Khách khí = Thái âm Thấp thổ – Tại tuyền.

        Thổ khắc Thủy, Khách khắc Chủ = Bất tương đắc; Thuận (bất tương đắc trung chi thuận). Khí hậu biến động dị thường: Nhiệt độ hạ xuống rất thấp, gây rét đậm, rét hại; Lại mưa nhiều, độ ẩm tăng cao.

        Trong điều kiện như vậy, người Dương hư hoặc Tỳ Thận dương hư, dễ mắc phải các chứng cảm mạo, tê đau xương khớp (tý chứng), ỉa chảy (tiết tả), thoát vị (sán khí), ... Các chứng trạng lâm sàng thường gặp: Sợ lạnh, phát sốt, mũi tắc chảy nước trong, ho suyễn, tức ngực, đau ngực, đau đầu, nặng đầu, đau người, đau lưng, khớp xương lạnh đau, bụng trướng đau, nôn, kém ăn, ỉa lỏng hoặc hạ lợi thanh cốc, thiếu phúc đau kéo xuống tinh hoàn, ... Chữa trị cần tán hàn trục thấp, hòa trung ôn dương. Sử dụng các vị thuốc: Ma hoàng, quế chi, khương hoạt, độc hoạt, tế tân, thương truật, kinh giới, phòng phong, tô diệp, đậu sị, sinh khương, can khương, đại táo, thông bạch, nhục quế, cao lương khương, ...

    Tóm lại: Phân tích theo lục khí, toàn năm có 3 giai đoạn "Bất tương đắc" – Khí hậu dị thường dễ phát sinh tật bệnh. Đó là các giai đoạn Tam khí, Ngũ khí và Chung khí.

3. Tổng quan tình hình bệnh tật

    (1) Năm "Mộc vận thái quá", Vận khí học gọi là "Phát sinh chi kỷ". Thiên "Khí giao biến đại luận thiên" sách Tố Vấn viết: "Tuế mộc thái quá, phong khí lưu hành, tỳ thổ thụ tà. Dân bệnh sôn tiết, thực giảm, thể trọng, phiền oan, trường minh, phúc chi mãn, ... Thậm tắc hốt hốt thiện nộ, huyễn mạo, điên tật ... Phản hiếp thống nhi thổ thậm. Xung dương mạch tuyệt giả, tử bất trị" (歲 木 太 過風 氣 流 行脾 土 受 邪。民 病 飧 泄食 減 體 重煩 冤、腸 嗚、腹 支 滿...。甚 則 忽 忽 善 怒眩 冒 巔 疾...反 脅 痛 而 吐 甚冲 陽 絕 者死 不 治 ...). Nghĩa là: Mộc vận thái quá, ắt phong khí lưu hành, Tỳ thổ (tạng Tỳ) bị xâm hại. Sẽ có nhiều người bị mắc bệnh "sôn tiết", ăn uống giảm sút, mình mẩy chân tay nặng nề, phiền muộn u uất, trong bụng có tiếng ùng ục, bụng trướng đầy, ... Thậm chí thường bỗng nhiên nổi giận, đồng thời hay chóng mặt, hoa mắt, xuất hiện các chứng bệnh ở đầu. ... Nếu như sườn đau tức, nôn mửa liên tục, mạch xung dương tuyệt, thường tử vong không thể cứu chữa.

    "Sôn tiết" là tên chứng bệnh do "can uất tỳ hư", thanh khí không đưa lên được gây nên. Triệu chứng: Đại tiện trong loãng, lẫn thức ăn không tiêu, sôi bụng, đau bụng, mạch huyền hoãn.

    "Xung dương": Là "huyệt nguyên" của kinh Túc dương minh Vị, vị trí ở trên mu bàn chân, có động mạch đập.

    (2) Phong khí thông với tạng Can. Phong hữu dư (thái quá) thành "phong tà", gây bệnh ở tạng Can; Chủ yếu là các chứng "hữu dư" – sơ tiết, thăng phát thái quá, cường tuyến giáp (ba-dơ-đô), tăng huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, xuất huyết não, chân tay co giật, ...

    "Khí hữu dư tắc chế kỷ sở thắng, nhi vũ sở bất thắng". Ngoài bản tạng (Can) mắc bệnh, còn xuất hiện "tương thừa", "tương vũ", gây bệnh ở các tạng liên quan.

    Tương thừa: Can khí thừa Tỳ, khắc chế Tỳ thổ quá mức; Tỳ thổ (bao gồm chức năng tiêu hóa) bị xâm hại, dẫn đến các chứng trạng thuộc loại "bất túc" (chứng hư), như  đã nói ở trên: ăn uống giảm sút, "sôn tiết" ...

    Tương vũ: Mộc vũ Kim, Phế thuộc hành Kim, ảnh hưởng tới chức năng túc giáng của Phế, dẫn tới các chứng trạng: huyễn vựng (choáng váng), suyễn khái (ho, suyễn thở), hung muộn (tức ngực, ngột ngạt), hiếp thống (đau mạng sườn), ...

    (3) "Phong vi bách bệnh chi trưởng", "Phong tà" là nguyên nhân chủ yếu gây nên các loại bệnh ngoại cảm, lại thường hay kết hợp với các loại tà khí khác, biến thành những tác nhân gây bệnh phức hợp. Trong năm Nhâm Thìn, phong tà dễ kết hợp với "hàn" và "thấp" thành "Phong hàn", "Phong thấp", xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh.

    Như vậy, về phương diện bệnh tật. Cần chú ý dự phòng các chứng bệnh do "Phong tà", "Hàn tà", "Thấp tà", "Phong hàn" và "Phong thấp" gây nên.


Lương y THÁI HƯ  

(Bài rút gọn đã đăng trên tạp chí Cây thuốc quý số Tết Nhâm Thìn) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]