Hổ trượng căn
Cốt khí còn có tên "điền thất" (miền Nam), "co hớ hườn" (Thái), "mèng kẻng" (Tày), "hồng lìu" (Dao).
Đông y Trung Quốc gọi là "hổ trượng", "hổ trượng căn", "hoạt huyết đan", "tử kim long", "ban trượng căn", "xà tổng quản", ...
Tên khoa học là Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc., thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Tên "cốt khí" còn dùng để chỉ một số cây khác, như "cốt khí muồng", "cốt khí dây", "cốt khí tím". Còn vị thuốc "cốt khí", lại có thể chỉ hạt và lá của nhiều cây khác thuộc họ Đậu. Cần lưu ý để tránh nhầm lẫn.
Cây cốt khí đề cập trong bài này, thuộc họ Rau răm, là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,5-1m, có khi tới 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5-12cm, rộng 3,5-8cm, mặt trên màu xanh nâu đậm mặt dưới màu nhạt hơn; cuống lá dài 1-3cm; bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm dạng chùy ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng. Hoa đơn tính, khác gốc. Hoa đực có 5 mảnh bao hoa, có gân giữa màu lục, 8 nhị dài hơn bao hoa. Hoa cái có 5 mảnh bao hoa, bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô, 3 cạnh, màu nâu đỏ. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ, gọi tên là "củ cốt khí" hoặc "cốt khí củ"- Rhizoma Polygoni Cuspidati (Rhizoma Raymoutriae Japonicae).
Vị thuốc cốt khí đã được ghi chép sớm nhất trong sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456-536) với tên "hổ trượng".
Trong Đông y cổ truyền, vị thuốc "hổ trượng" - "cốt khí củ" thường được xếp vào nhóm thuốc "Hoạt huyết khứ ứ" hoặc "Thoái hoàng lợi thấp".
Theo Đông y cổ truyền: Củ cốt khí có vị đắng, tính lạnh; vào các kinh Can, Đởm và Phế. Có tác hoạt huyết, giảm đau, thanh nhiệt, lợi tiểu, thông kinh. Dùng chữa những trường hợp kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, bị đòn ngã chấn thương đau nhức, thấp nhiệt hoàng đản (vàng da do thấp nhiệt), phế nhiệt khái thấu (ho do tạng Phế bị nóng), đẻ xong huyết ứ, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn, ... Trong dân gian, củ cốt khí là một vị thuốc thường được dùng để chữa tê thấp, đau nhức do bị ngã, bị thương, ... Liều dùng: Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc hoàn tán. Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai không dùng được.
• Nghiên cứu hiện đại
Cốt khí là một nguồn dược liệu rất phong phú; cây cốt khí mọc hoang ở rất nhiều nơi, cả ở đồng bằng và miền núi; còn được trồng khá nhiều ở trong các trang trại, trong vườn nhà, để lấy củ làm thuốc. Cốt khí là một vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian và có nhiều ứng dụng trên lâm sàng. Do đó, những năm gần đây, các nhà khoa học trong ngoài nước đã đẩy mạnh các nghiên cứu về vị thuốc này, đồng thời đã phát hiện nhiều tác dụng và ứng dụng mới.
Theo "Trung Hoa Bản thảo" - bộ sách do Cục Quản lý dược Trung Quốc chủ trì biên soạn, thành phần hóa học của thân rễ cốt khí chủ yếu có các chất: Emodin, physcion, rhein, chrysophanol, anthraglycside A, anthraglycoside B, fallacinol, citreorsein, questinol, resveratrol, polydatin, ...; còn có catechin, β-sitosterol, glucose, rhamnose, ...; ngoài ra còn chứa các nguyên tố Cu, Fe, Mn, Zn, K.
Theo tạp chí "Drug Evaluation Research" (Đánh giá nghiên cứu thuốc, số tháng 4 năm 2016): Những năm gần đây khoa học đã phân lập được nhiều thành phần trong củ cốt khí, chủ yếu thuộc các nhóm chất Anthraquinones, stibine, flavonoids, coumarins, ... và một số hợp chất loại khác. Tác dụng dược lý của củ cốt khí rất đa dạng, bao gồm những tác dụng kháng viêm, kháng vi-rút, kháng khuẩn, điều tiết mỡ máu, chống huyết khối, cải thiện tuần hoàn máu, bảo vệ cơ tim, chống ô-xy hóa, chống ung thư, chống hiv/aids, ...
Dưới đây "Thuốc vườn nhà" xin phép chỉ giới thiệu tóm tắt một vài tác dụng:
(1) Tác dụng chống viêm:
Năm 2003, Trương Hải Phòng và cộng sự, thông qua nhiều mô hình gây viêm thực nghiệm khác nhau, đã chứng minh: Chất chiết xuất từ thân rễ cốt khí, dùng ethyl acetate làm dung môi, có tác dụng chống viêm rõ ràng. Cơ chế chống viêm, có khả năng liên quan đến tác dụng ức chế sự hợp thành của giới chất gây viêm PGE2, ức chế tế bào miễn dịch và hệ thống tuyến yên - vỏ tuyến thượng thận.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, trong điều trị viêm khớp, dùng nước sắc cốt khí tươi rửa ngoài, có tác dụng giảm đau rõ ràng. Ngoài ra, đối với bỏng, nhiễm trùng ngoài da, viêm da do phóng xạ, cũng có thể sử dụng cốt khí kết hợp với một số vị thuốc khác để điều trị (theo "Dược học tiến triển", 2003, 27(04) : 230-233).
(2) Tác dụng kháng khuẩn:
Thực nghiệm ngoài cơ thể cho thấy: Nước sắc 25% củ cốt khí có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn vàng (staphylococcus aureus), cầu khuẩn ka-ta (K. catarrhalis), liên cầu khuẩn (streptococcus) type A và type B, trực khuẩn co-li (bacillus coli), trực khuẩn mủ xanh (bacillus pyocyaneus), liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn viêm phổi (streptococcus pneumoniae), ... Thuốc sắc thân rễ cốt khí nồng độ cao, còn có tác dụng diệt xoắn khuẩn leptospira ("Trung dược đại từ điển").
(3) Tác dụng kháng vi-rút:
Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy: Nước sắc thân rễ cốt khí 10%, có tác dụng ức chế đối với vi-rút cúm (influenza virus), vi-rút herpes (herpes simplex virus - HSV), ECHO virus đường ruột, vi-rút viêm não B, vi-rút viêm chất xám tủy sống typ II, vi-rút coxcackie (coxcackie virus - CBV). Thuốc tiêm chế từ thân rễ cốt khí có tác dụng dự phòng viêm gan B ở chuột nhắt với hiệu suất 89,3% (theo "Thần kỳ đích kháng bệnh độc trung thảo dược", TQ Y dược xuất bản xã, 2004).
(4) Chống ung thư:
Kết quả nghiên cứu của Trương Ngọc Tùng cho thấy, chất polydatin trong cốt khí có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư, mà độc tính của polydatin đối với tế bào bình thường tương đối nhỏ. Polydatin còn có khả năng ức chế sự di căn của nhiều loại tế bào ung thư. Với nồng độ không ảnh hưởng tới các tế bào bình thường, kết quả thí nghiệm ngoài cơ thể cho thấy, polydatin có khả năng ức chế sự di căn của tế bào ung thư phổi và ung thư vú ("Tô Châu Đại học", 2013).
Còn nghiên cứu của Quản Thu Hương cho thấy, một chất dẫn xuất của resveratrol có tác dụng chống sự tăng trưởng của tế bào ung thư vú MCF-7, tế bào ung thư phổi A549 ở người và tế bào ung thư hắc sắc tố B16-F10 ở chuột nhắt. Ngoài ra, một chất dẫn xuất khác của resveratrol có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư gan Smmc7721 và tế bào ung thư dạ dày SGC7901 ("Hợp Phì Công nghiệp Đại học", 2014).
(5) Chống HIV/AIDS:
Theo kết quả nghiên cứu Raymond và cộng sư: Hợp chất thuộc nhóm Anthraquinone trong cốt khí có tác dụng kiềm chế sự phát triển của vi-rút HIV (theo Antiviral Res, 1990 (13): 265-268).
Còn Tưởng Nham và đồng sự đã sử dụng các mô hình thí nghiệm trên chuột và chứng minh: Chất chiết xuất với dung môi là nước, có tác dụng chống AIDS và ung thư ở chuột ("Trung Quốc bệnh độc học", 1998, 13(4): 271-273).
• Một số ứng dụng lâm sàng mới:
(6) Chữa viêm phổi:
Dùng cốt khí củ, rửa sạch, thái lát, 100g tươi hoặc 50g khô; thêm 5000ml nước, sắc còn 1000ml; chia ra uống ngày 2 lần, mỗi lần 50-100ml. Uống liên tục đến khi thấy thân nhiệt trở lại bình thường, sau đó tùy theo chứng trạng mà giảm bớt lượng thuốc, uống đến khi hết viêm thì ngừng.
Kết quả điều trị thử nghiệm 19 ca cho kết quả tốt: Khỏi bệnh 12 ca, chuyển biến tốt 4 ca, vô hiệu 3 ca.
Sau khi uống thuốc, khoảng 6 tiếng, thì nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường; ở phần lớn bệnh nhân nhiệt độ trở lại bình thường sau 24 giờ; liệu trình kéo dài từ 4-14 ngày, trung bình 9 ngày.
Tác dụng phụ: Một số bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc cảm thấy dị thường ở đường ruột, có thể kết hợp nhĩ châm để xử lý ("Trung dược đại từ điển").
(7) Chữa viêm phổi:
Dùng cốt khí củ 20-30g, sắc kỹ với nước, chia thành 3 phần uống sau các bữa ăn trong ngày ("Thảo mộc liệu pháp").
(8) Chữa vàng da cấp tính do viêm gan nhiễm trùng:
Dùng cốt khí củ 12g, sắc nước uống trong ngày.
Tại một bệnh viện ở Trung Quốc, đã tiến hành điều trị thử nghiệm 300 ca, hiệu suất khỏi bệnh đạt 80%; sau 15-20 ngày da hết vàng, trung bình sau 34,5 ngày dùng thuốc bệnh khỏi hoàn toàn ("Bản thảo tân dụng đồ").
(9) Chữa viêm túi mật mạn tính:
Dùng ô mai 250g, củ cốt khí 500g, mật ong 1000g.
Cách chế: Cho ô mai và cốt khí vào nồi đất hoặc đồ gốm (không dùng đồ sắt), sắc kỹ với nước 3 lần, lấy nước cốt, bỏ bã, hợp 3 nước lại với nhau, cô nhỏ lửa cho đặc lại còn 500ml, cho mật ong vào trộn đều, đun sôi lại, cho vào lọ sạch, chờ nguội thì nút kín, bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh để dùng dần. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hòa với nước sôi uống. Liên tục trong 3 tháng - 1 liệu trình ("Thường kiến mạn tính bệnh thực vật liệu pháp").
(10) Chữa viêm gan kéo dài:
Dùng củ cốt khí 500g, ngũ vị tử 250g, mật ong 1000g.
Cách chế giống như trong mục "(9) Chữa viêm túi mật mạn tính". Mỗi ngày uống 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần lấy 1 thìa canh cao thuốc, hòa với nước sôi uống. Liên tục trong 2 tháng - 1 liệu trình ("Thường kiến mạn tính bệnh thực vật liệu pháp").
(11) Chữa xơ gan:
Dùng cốt khí củ 30g, đại táo (táo tầu) 30g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang ("Thảo mộc liệu pháp").
(12) Chữa viêm khớp:
Dùng cốt khí củ 250g, rửa sạch, thái nhỏ, ngâm trong 750ml rượu trắng; sau 15 ngày có thể sử dụng.
Người lớn mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con (15ml). Phụ nữ trong thời gian hành kinh cần ngừng dùng thuốc.
Đã thử nghiệm điều trị 208 ca, trên 90% bệnh nhân thấy có chuyển biến tốt với những mức độ khác nhau ("Nhất vị trung dược trị ngoan tật").
(13) Chữa vàng da ở trẻ sơ sinh:
Dùng cốt khí củ chế thành xi-rô 50%, cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 5ml.
Thử nghiệm điều trị 175 ca, sau khi dùng thuốc 7 ngày ở 150 bệnh nhi da và củng mạc đã hết vàng hoàn toàn; tỷ lệ khỏi bệnh đạt 86,8% ("Trung dược đại từ điển").
(14) Chữa ngứa ở bộ phận sinh dục (cả nam giới và nữ giới):
Dùng cốt khí củ 10g, khổ sâm 30g, vỏ cây râm bụt 30g; sắc lấy nước, đổ vào chậu, ngày ngâm hạ bộ 2 lần, mỗi lần 10-15 phút, liên tục trong 7 ngày (một liệu trình).
Đã thử nghiệm điều trị 100 ca, kết quả tất cả đều khỏi bệnh ("Chiết Giang Trung y tạp chí").
Lương y HUYÊN THẢO
(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Dược và Mỹ Phẩm số 94/9-2018, Cục Quản lý dược, Bộ Y tê)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.