Dưỡng sinh

Món ăn - Bài thuốc thường dùng để trị liệu hoặc hỗ trợ trị liệu suy thận

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/02/2012 07:48 CH

Chức năng sinh lý cở bản của thận là lọc máu, tạo ra nước tiểu và bài tiết các chất cặn bã, để duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong cơ thể. Thông qua chức năng tạo nước tiểu, thận giúp cơ thể giữ lại nước, các chất điện giải và các chất chuyển hóa quan trọng. Đồng thời đào thải những sản phẩm có hại, như u-rê, creatinin, acid uric, ...

thận, quả thận, suy thận, renal failure

Trong cơ thể mỗi người có 2 quả thận. Mỗi quả thận có từ 1-1,5 triệu "đơn vị thận" (renal unit, nephron). Khi thận bị tổn thương quá nặng, trên 3/4 số đơn vị thận bị hủy hoại, thận không còn khả năng thực hiện đầy đủ chức năng lọc máu - tạo nước tiểu - đào thải chất độc, cơ thể sẽ bị lâm vào tình trạng bệnh lý, gọi là "Suy thận" (renal failure).

Trong Y học hiện đại, bệnh "Suy thận" chia thành "Suy thận cấp" (acute renal failure) và "Suy thận mạn tính" (chlonic renal failure).

Đối với cả hai loại suy thận nói trên, ăn uống và dinh dưỡng hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng. Mặt khác, tùy theo bệnh tình cụ thể, còn có thể chủ động sử dụng những "Món ăn - Bài thuốc", theo phương pháp "Ẩm thực liệu pháp" của Đông y, để tiến hành trị liệu hoặc hỗ trợ trị liệu.

1. Món ăn - Bài thuốc hỗ trợ chữa Suy thận cấp tính:

    Trong suy thận cấp, chức năng bài tiết của thận bị suy giảm nhanh chóng trong thời gian ngắn (vài giờ đến vài tuần), khả năng lọc máu của cầu thận giảm xuống quá 50% mức bình thường, khiến hàm lượng các hợp chất ni-tơ, creatinine trong máu tăng cao, gây rối loạn nước và điện giải, mất cân bằng acid - kiềm, cùng những chứng trạng của bệnh u-rê huyết cấp tính.

    Hội chứng suy thận cấp có thể xuất hiện trong nhiều bệnh. Nếu được chẩn đoán sớm, cấp cứu và điều trị thích đáng, thì chức năng của thận có thể khôi phục hoàn toàn.

    Đối với suy thận cấp, trong cả 3 giai đoạn (thiểu niệu, đa niệu và khôi phục), tùy theo điều kiện có thể lựa chọn và sử dụng một số Món ăn - Bài thuốc sau:

    (1) Trà măng tre dưa chuột:

        - Nguyên liệu: Măng tre 100g, dưa chuột 100g, đông qua bì (vỏ bí đao) 50g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Các nguyên liệu trên rửa sạch, sắc với nước, chia ra uống thay trà trong ngày; sử dụng liên tục 7 ngày.

        - Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu. Dùng để hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

    (2) Nước dưa hấu tía tô:

        - Nguyên liệu: Dưa hấu (bỏ vỏ) 500g, tía tô 10 ngọn, hạt mùi 10g, rau cần cạn 30g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Tía tô, hạt mùi và rau cần rửa sạch, cùng dưa hấu cho vào máy xay sinh tố nghiền nhỏ, ép lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày, uống sau bữa ăn; sử dụng liên tục 7 ngày.

        - Tác dụng: Lợi niệu, giảm phù thũng. Dùng để hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

    (3) Trà rễ cỏ tranh mía lau:

        - Nguyên liệu: Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 50-120g, mía lau 100-300g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Các nguyên liệu trên rửa sạch, thái nhỏ, sắc với nước, chia ra uống thay trà trong ngày; sử dụng liên tục 7 ngày.

        - Tác dụng: Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, chữa phù. Dùng để hỗ trợ điều trị suy thận cấp.

    (4) Trà sơn tra lá sen:

        - Nguyên liệu: Sơn tra 30g, lá sen 12g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Các nguyên liệu trên rửa sạch, sắc với nước, chia ra uống thay trà trong ngày; sử dụng liên tục 7 ngày.

        - Tác dụng: Hỗ trợ điều trị suy thận cấp đối với những người cao huyết áp kèm theo nhức đầu.

    (5) Trà đậu rựa gừng tươi:

        - Nguyên liệu: Đậu rựa 30g, gừng tươi 3 lát, đường đỏ 20g.

        - Cách chế biến và sử dụng: Đậu rựa để liền cả vỏ, cùng gừng tươi sắc với 500ml nước, đun còn 200ml, bỏ bã, hòa đường đỏ vào, chia 2-3 lần uống trong ngày; sử dụng liên tục 3 ngày.

        - Tác dụng: Giáng khí, chống nôn, nấc; thích hợp với những bệnh nhân suy thận cấp thuộc thể hư hàn.

    (6) Trà rễ sậy trúc nhự:

        - Nguyên liệu: Lô căn (rễ sậy) 30g, trúc nhự 30g.

        ("Trúc nhự" là vị thuốc chế bằng cách cạo bỏ vỏ xanh của cây tre, sau đó cạo lớp thân thành từng mảnh mỏng hay sợi mỏng).

        - Cách chế biến và sử dụng: Các nguyên liệu trên sắc với 500ml nước, đun còn 200ml, chắt lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày; sử dụng liên tục 3 ngày.

        - Tác dụng: Thuận khí, chống nấc; thích hợp với những bệnh nhân suy thận cấp hay bị nấc thuộc thể táo nhiệt.

2. Món ăn - Bài thuốc chữa Suy thận mạn tính:

    Trong suy thận mạn, các cấu trúc thận bị tổn thương mỗi ngày một nặng, khiến thận khó duy trì được những chức năng cơ bản một cách bình thường, gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và hàng loạt chức năng sinh lý khác của cơ thể; cuối cùng dẫn tới tăng u-rê huyết, rối loạn trao đổi chất, cùng những bệnh lý toàn thân nghiêm trọng khác.

    Tùy theo độ nặng, suy thận mạn tính thường được chia thành 4 cấp:

        - Suy thận nhẹ (giai đoạn 1);

        - Suy thận vừa (giai đoạn 2);

        - Suy thận nặng (giai đoạn 3);

        - Suy thận giai đoạn cuối (giai đoạn 4).

    Trong 2 giai đoạn đầu, sử dụng các Món ăn - Bài thuốc nói chung có thể mang lại kết quả trị liệu rất khả quan. Tuy nhiên, cần căn cứ vào những chứng trạng biểu hiện cụ thể, cũng như đặc điểm về thể chất (cơ địa) của từng người, mà chọn dùng phép chữa (Món ăn – Bài thuốc thích hợp) theo nguyên tắc Biện chứng luận trị của Đông y, cụ thể như sau:

    (1) Thấp trọc ứ trệ:

        • Chứng trạng biểu hiện: Bụng đầy tức, miệng khô, lợm giọng, nôn, đại tiện bí, miệng hôi và hơi thở có mùi a-mô-ni-ắc, nước tiểu trắng trong; lưỡi to, sắc lưỡi nhợt, chất lưỡi khô xám; rêu dầy nhớt; mạch hư huyền. Khám Tây y phát hiện các triệu chứng: Tăng huyết áp, thiếu máu, u-rê niệu cao.

        • Để chữa trị, có thể sử dụng món "Cháo hạt cau", có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp và giải độc:

            - Nguyên liệu: Tân lang (hạt cau) 10g, gạo tẻ 50g.

            - Cách chế biến: Tân lang sắc với nước, nấu sôi trong 10 phút, lọc lấy nước (bỏ bã), cho gạo vào nấu thành cháo ăn.

    (2) Khí huyết ứ trệ:

        • Chứng trạng biểu hiện: Buồn nôn, nôn, bồn chồn, người nóng, đầu đau, choáng váng, mệt mỏi, da ngứa, miệng khô, lưỡi tím tái có điểm ứ huyết; mạch huyền hoạt.

        • Để chữa trị, có thể sử dụng món "Canh cá mực đào nhân", có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết thông lạc như sau:

            - Nguyên liệu: Cá mực 50g, đào nhân (nhân hạt đào) 15g, hành, gừng, muối lượng thích hợp.

            - Cách chế biến: Cá mực ngâm nước, bỏ mai, làm sạch; cho cá mực và đào nhân vào nồi đất, thêm nước lượng thích hợp, cùng hành, gừng, muối ...; nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa cho đến khi cá mực chín nhừ là được.

    (3) Tỳ thận lưỡng hư:

        • Chứng trạng biểu hiện: Sắc diện trắng nhợt, chân tay vô lực, ăn kém ngon miệng, ăn ít, da khô háo, đại tiện lỏng, nước tiểu trong, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi ít, mạch nhược.

        • Để chữa trị, có thể sử dụng món cháo có tác dụng ôn thận bổ tỳ, ích khí dưỡng huyết như sau:

            - Nguyên liệu: Bạch truật 10g, tân lang (hạt cau) 10g, dạ dày lợn 1 cái, gạo tẻ 50-100g, gừng tươi lượng thích hợp.

            - Cách chế biến: Dạ dày làm sạch, cắt thành miếng nhỏ, cùng bạch truật, tân lang, gừng sắc lấy nước, sau đó cho gạo vào nấu cháo.

    (4) Tinh khí hư nhược:

        • Chứng trạng biểu hiện: Sắc diện kém tươi, mệt mỏi, bồn chồn, thở ngắn, móng tay nhợt, tức ngực, nôn mửa, kém ăn, đại tiện lỏng, da dẻ tiều tụy, da khô bong vẩy, mi mắt phù, miệng khô họng háo, lưng mỏi; lưỡi nhợt khô, mạch nhược. Khám Tây y phát hiện thấy u-rê niệu và creatinin tăng cao.


        • Để chữa trị, có thể sử dụng món cháo có tác dụng ích tinh, bổ thận dưỡng huyết như sau:

            - Nguyên liệu: Kỷ tử 15g, gạo nếp 50g, đường trắng lượng thích hợp.

            - Cách chế biến: Cả 3 thứ cho vào nồi đất, thêm 500ml nước, nấu nhỏ lửa đến khi gạo nếp chín nhừ quánh lại, tắt bếp, ủ thêm 5 phút nữa là được.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]