Dưỡng sinh

Món ăn - Bài thuốc phòng trị thử nhiệt mùa hè

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/05/2012 11:53 CH

Mùa hè khởi đầu từ tiết Lập hạ (05/05/2012), bao gồm ba tháng 4, 5, 6 (Âm lịch) và các Tiết khí: Lập hạ (05/05/2012), Tiểu mãn (21/05/2012), Mang chủng (05/06/2012), Hạ chí (21/06/2012), Tiểu thử (06/07/2012), Đại thử (22/07/2012) và kết thúc vào tiết Lập thu (07/08/2012).

1. Bệnh cơ và Bệnh lý thử nhiệt:

    Thử nhiệt - nắng nóng, là đặc trưng chủ yếu của khí hậu mùa hè; nói chung không gây bệnh. Nắng nóng quá mức, thử nhiệt thái quá, vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể con người, mới gây nên bệnh, Đông y gọi đó là "thử tà".

    Trong 6 loại "tà khí" - tức 6 tác nhân gây bệnh từ bên ngoài (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), "thử tà" là loại tà khí có tính mùa vụ rõ ràng nhất, chỉ phát sinh trong những tháng hè.

    "Thử tà" dẫn tới những chứng trạng bệnh lý có tính "dương nhiệt", như sốt cao, phiền khát, mặt đỏ, mắt đỏ, mạch hồng đại (mạch to, như sóng cuộn), ... "Thử tà" thượng thăng và phát tán. Thượng thăng lên phần trên cơ thể, phạm vào đầu mặt, dẫn tới các chứng trạng như mặt đỏ, mắt tía, váng đầu, hoa mắt, ... Phát tán vào da thịt, khiến tấu lý khai tiết, kích thích mồ hôi tiết xuất nhiều. Mồ hôi tiết xuất nhiều, khiến cho âm dịch (dịch thể) bị hao tổn, nên miệng khát, uống nước nhiều, lưỡi đỏ khô, người bải hoải và thở hụt hơi (khí đoản phạp lực). Thử nhiệt còn có thể xâm phạm tạng tâm, khiến cho tâm thần bị nhiễu loạn, dẫn tới đột nhiên choáng váng ngã lăn, bất tỉnh nhân sự.

    Theo lẽ thường, mùa hè là giai đoạn dương khí tối thịnh trong năm, nên "thử tà" là ngoại tà chủ yếu. Nhưng thực tế, tình hình khí hậu và ngoại tà trong mùa hè phức tạp hơn nhiều.

    Từ Lập hạ đến trước tiết Hạ chí, đặc trưng khí hậu chủ yếu là viêm nhiệt (nắng gắt). Đến tiết Hạ chí, dương khí đạt tới điểm cực thịnh và âm khí bắt đầu phát sinh (dương cực nhất âm sinh). Từ sau tiết Hạ chí, trời vẫn nắng nóng, nhưng nhiều mưa, nên độ ẩm không khí tăng cao.

    Độ ẩm quá cao gây nên bệnh, Đông y gọi là "thấp tà". "Thấp tà" thuộc loại "âm tà", rất dễ gây tổn thương dương khí. Trong nửa cuối mùa hè, cùng với "thử tà" còn có thêm "thấp tà". Hai loại tà khí đó kết hợp với nhau, thành loại bệnh tà kép, "thử kiêm thấp", gọi tắt là "thử thấp".

    Như vậy, nửa đầu mùa hạ (trước tiết Hạ chí), cần chú ý phòng ngừa "thử tà", tới nửa sau mùa hạ (từ sau tiết Hạ chí), cùng với "thử tà", còn cần chú ý phòng ngừa thêm "thấp tà".

    "Thử tà" gây bệnh, trường hợp nhẹ, dẫn tới "thương thử" (cảm nắng) với biểu hiện phát sốt, đau đầu, mắt đỏ, da nóng, vã mồ hôi, khát nước, tức ngực, bồn chồn, hơi thở ngắn, người mệt nhọc, nước tiểu sẻn đỏ, ... Trường hợp nặng, dẫn tới "trúng thử" (say nắng), với biểu hiện như da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mặt trắng nhợt, thở khò khè như suyễn thở, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn; thậm chí bỗng nhiên ngã lăn, mê man bất tỉnh, răng nghiến chặt.

    "Thử tà" là dương tà, rất dễ gây thương tổn phần "âm" (âm dịch) cơ thể. Mồ hôi tiết xuất nhiều, dễ gây tổn thương đối với "khí" (chức năng sinh lý). Từ đó hình thành loại bệnh lý, Đông y gọi là "khí âm lưỡng hư" ("khí" và "âm" đều bị hư tổn).

    "Thử thấp", ngoài dẫn đến bệnh lý "khí âm lưỡng hư", còn gây nên những tổn hại đối với "dương khí", nhất là "tỳ dương", khiến cho chức năng tiêu hóa bị rối loạn, dẫn tới các chứng bệnh tiêu hóa, như đầy bụng, đau bụng, ăn uống khó tiêu, viêm ruột, kiết lỵ, ... Như vậy, "thử thấp" gây bệnh, vừa có thể dẫn đến "thương thử", "trúng thử", lại đồng thời gây những tổn thương đối với chức năng tiêu hóa của tỳ vị.

    Trong quá trình phòng bệnh và chữa trị các bệnh thử nhiệt, cùng với việc dùng thuốc, "ẩm thực liệu pháp" có vai trò đặc biệt quan trọng.

    Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, Đông y đã tìm ra rất nhiều loại Món ăn - Bài thuốc, có tác dụng phòng trị các bệnh thử nhiệt, thử thấp, hết sức hữu hiệu, lại hầu như không dẫn tới tác dụng phụ ngoài sự mong muốn; rất thuận lợi cho việc phòng bệnh và chữa bệnh trong điều kiện gia đình.

đậu xanh, hạt đậu xanh, cây đậu xanh

2. Món ăn - Bài thuốc phòng trị bệnh thử nhiệt:

    Để phòng trị bệnh thử nhiệt, ngoài việc sinh hoạt làm việc nghỉ ngơi có điều độ, nên áp dụng các biện pháp chống nóng cần thiết, trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng một số loại Món ăn - Bài thuốc (dược thiện), hay Trà thuốc (dược trà), có tác dụng thanh thử, tiết nhiệt, ích khí, sinh tân.

    Từ xưa, đậu xanh được coi là thần dược trị bệnh thử nhiệt:

        - Theo Đông y: Hạt đậu xanh có vị ngọt, tính bình, không độc; vào 2 kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nắng, tiêu tích nhiệt, giải bách độc (nhiều loại chất độc). Thường dùng để phòng ngừa cảm nắng và say nắng, giải nhiệt độc, tiêu phù thũng, giải các chất độc, ... Vỏ hạt đậu xanh ("lục đậu xác", "lục đậu y") có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng tương tự phần nhân, nhưng tác dụng thanh nhiệt, giải độc mạnh hơn.

        - Nhờ những tính năng trên, trong ngày hè nắng nóng, các món ăn và nước uống chế từ đậu xanh, là những thứ có tác dụng thanh thử, ích khí, chỉ khát, lợi niệu, giải độc rất tốt.

       - Kết quả nghiên cứu hiện đại đã chứng minh: Đậu xanh có giá trị dinh dưỡng rất cao; trong đậu xanh có hàm lượng lớn các loại muối vô cơ và các vitamin, chủng loại các acid amin cũng khá hoàn chỉnh, bao gồm hầu hết các acid amin thiết yếu; đặc biệt, hàm lượng phenylamine và lysine rất cao; nếu sử dụng đậu xanh cùng gạo tẻ, thì giá trị dinh dưỡng sẽ được tăng lên.

        - Ngày hè, dùng đậu xanh nấu cháo hay nấu chè với gạo ăn, hoặc sắc đậu xanh lấy nước uống, không những có thể bổ sung nước rất tốt, mà còn có thể kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng bị thất thoát, nhờ đó có thể duy trì cân bằng chất điện giải bên trong cơ thể.

    Có thể sử dụng đậu xanh phòng thử nhiệt theo một số phương pháp như sau:

        (1) Cháo đậu xanh: Đậu xanh 50g, gạo tẻ 250g, đường phèn lượng thích hợp; đậu xanh và gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi, nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa đến khi cháo chín; cho đường phèn vào trộn đều. Công hiệu: Có tác dụng thanh thử sinh tân, giải độc tiêu thũng; dùng trong trường hợp thử nhiệt gây phiền khát; dự phòng cảm nắng và say nắng.

        (2) Cháo đậu xanh đậu đỏ: Đậu xanh 30-50g, đậu đỏ 30-50g, gạo tẻ 50-100g; cùng vo sạch, nấu cháo ăn. Công hiệu: Có tác dụng chống nóng, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống bệnh của cơ thể, trong những tháng hè.

        (3) Chè bí ngô đậu xanh: Đậu xanh, bí ngô già, mỗi thứ 200-300g, muối một chút; đậu xanh rửa sạch, trộn với chút muối, ướp một lát rồi tráng lại bằng nước sạch; bí ngô gọt vỏ, bỏ lõi, thái thành miếng vuông cỡ 2cm; đổ nửa lít nước vào nồi, đun sôi, cho đậu xanh vào đun sôi 3-5 phút, sau cho bí ngô vào, đậy kín vung, đun nhỏ lửa khoảng 20 phút cho chín nhừ; khi ăn thêm muối và gia vị. Công hiệu: Có tác dụng thanh giải thử nhiệt, ích vị sinh tân; phòng ngừa cảm nắng và say nắng.

    Ngoài đậu xanh, còn có thể sử dụng một số món dược thiện, dược trà dưới đây:

        (1) Cháo kim ngân hoa cúc: Kim ngân hoa 6g, bạch cúc hoa 6g; 2 thứ sấy khô, tán mịn, trộn đều; dùng gạo tẻ nấu cháo, cháo chín, trộn bột thuốc vào ăn. Công hiệu: Có tác dụng phòng trị cảm nắng và say nắng.

        (2) Trà sơn tra ô mai: Sơn tra 30g, ô mai (giã nát) 15g; thêm chút đường phèn hoặc đường đỏ, nấu hoặc hãm nước sôi uống thay trà trong ngày. Công hiệu: Có tác dụng ích khí, sinh tân, tiêu thực, chỉ khát, dùng để dự phòng cảm nắng và say nắng.

        (3) Trà trúc diệp: Lá tre 10-15g; nấu nước hoặc hãm nước sôi uống thay nước trong ngày. Công hiệu: Có tác dụng thanh nhiệt, an thần, lợi niệu, thích hợp với trường hợp trời nắng nóng quá mức, người bồn chồn, khó ngủ, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện sẻn đỏ.

        (4) Thanh thử ích khí thang gia giảm: Sâm nam hoặc sâm bố chính 12g (nếu có sâm Ngọc Linh, sâm Cao ly, dùng 6-8g, càng tốt), thạch hộc 15g, mạch môn đông (củ tóc tiên) 10g, búp tre (hoặc lá tre bánh tẻ) tươi 15g, hà ngạnh (cuống lá sen) 15g, kim ngân hoa (hoặc dây kim ngân) 12g, tây qua thúy y (vỏ dưa hấu), gạo tẻ 15g, cam thảo 4g; sắc với nước, uống thay trà trong ngày. Công hiệu: Thanh thử (trừ thử tà) ích khí sinh tân; dùng trong trường hợp sốt cao, tổn thương cả "khí" và "âm dịch" (khí âm lưỡng hư).

bạch biển đậu, đậu ván trắng

3. Món ăn - Bài thuốc phòng trị bệnh thử thấp:

    Ngày hè, cảm nhiễm phải tà khí thử thấp mà phát bệnh, gọi là "bệnh thử thấp". Bệnh có những biểu hiện như phát sốt, mặt đỏ, hơi sợ lạnh, bồn chồn, đầu choáng váng, bụng trướng đầy, chán ăn, tiết tả, tiểu tiện ít, người và chân tay nặng đau, bắp thịt máy động, rêu lưỡi trắng nhớt, miệng khát nhưng không uống nước nhiều, ...

    Để chữa trị, có thể sử dụng những Món ăn - Bài thuốc có tác dụng thanh thử hóa thấp, dưới đây:

        (1) Cháo lá sen: Gạo tẻ 50-100g, lá sen nửa cái; cùng nấu cháo ăn. Công hiệu: Lá sen có tác dụng thanh thử, lợi thấp, thăng phát thanh dương và chỉ huyết (cầm máu); chủ trị thử thấp tiết tả (tiêu chảy do nóng ẩm mùa hè), huyễn vậng (chóng mặt hoa mắt), phù thũng, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), băng lậu, tiện huyết, sản hậu huyết vậng (choáng váng sau khi đẻ), ... Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên trong những tháng cuối hè, như cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy, ... Món cháo này dùng trong trường hợp bị cảm nắng, váng đầu, lợm giọng buồn nôn, bụng trướng, ỉa chảy, không muốn ăn, chảy máu mũi, thổ huyết; ngoài ra còn có thêm tác dụng giảm béo.

        (2) Thanh lạc ẩm gia giảm: Lá sen tươi 8g, tây qua thúy y (vỏ dưa hấu) 10g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 10g, búp tre (hoặc lá tre bánh tẻ) tươi 8g, kim ngân hoa (hoặc dây kim ngân) 8g; sắc với nước uống thay trà trong ngày. Công hiệu: Giải thử, trừ thấp, thanh phế nhiệt; dùng trong trường hợp sau khi bị cảm nắng đã chữa khỏi, nhưng vẫn còn đau đầu, ho khan, mắt hoa nhìn không rõ; còn có thể sử dụng để dự phòng các bệnh thử thấp.

        (3) Cháo đậu ván trắng: Đậu ván trắng (sao vàng) 100g, củ mài 100g, gạo tẻ 50-100g; các thứ rửa/vo sạch, cùng cho vào nồi nấu cháo ăn. Công hiệu: Đậu ván trắng (bạch biển đậu) có tác dụng kiện tỳ hóa thấp (kiện toàn chức năng tiêu hóa, hóa giải thấp tà) hòa trung chỉ tả (điều hòa tỳ vị, cầm ỉa chảy); củ mài (sơn dược) có tác dụng kiện tỳ vị (kiện toàn chức năng tỳ vị), hóa thấp trọc (trừ thấp); món cháo này có tác dụng phòng trị bệnh thử thấp rất tốt, nhất là trường hợp bị cảm nắng nôn mửa, ỉa chảy, không muốn ăn.

        (4) Cháo ý dĩ: Gạo tẻ 50-100g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 100-200g; vo/rửa sạch, nấu cháo ăn. Công hiệu: Ý dĩ nhân có tác dụng kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy thẩm thấp; dùng món cháo này để phòng bệnh thử thấp có kết quả tốt; ngoài ra còn có thêm tác dụng giảm béo.

        (5) Cháo đậu ván trắng ý dĩ: Đậu ván trắng (sao vàng) 50-100g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 50-100g, gạo tẻ 50-100g; rửa/vo sạch, nấu cháo ăn. Công hiệu: Có tác dụng kiện tỳ ích khí (tăng cường chức năng tiêu hóa), phòng thử chỉ tả (chống nắng, phòng tiêu chảy); dùng trong trường hợp cảm nhiễm thử thấp tà, gây rối loạn chức năng tiêu hóa.

        (6) Hương nhu biển đậu ẩm: Hương nhu 15g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 20g, rau má tươi 20g, quả dành dành 12g, hậu phác 12g; sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày hoặc chia ra 3-4 lần uống trong ngày. Công hiệu: Hương nhu có có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo, giảm sốt, lợi thấp hành thủy; dùng chữa mùa hè bị cảm nắng, hoặc đi mưa bị nhiễm lạnh, người phát sốt phát rét, đầu nhức, bụng đau, miệng nôn, thủy thũng, đi ỉa lỏng, chảy máu cam; kết hợp với hậu phác, đậu ván trắng để tăng cường tác dụng trừ thấp; kết hợp với rau má, dành dành để có thêm tác dụng thanh nhiệt; loại trà này sử dụng để chữa bệnh thử nhiệt, kèm theo các rối loạn tiêu hóa kết quả rất tốt.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]