Từ xưa dân gian đã lưu truyền câu:
"Nhân trần ích mẫu đi đâu
Để cho gái đẻ đớn đau thế này"
Cho thấy, ích mẫu thảo (cùng với nhân trần) là những vị thuốc không thể thiếu, để chữa trị các bệnh cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Ngoài câu ca dao trên, dân gian còn có một truyền thuyết rất cảm động về cây ích mẫu.
Tương truyền thời xưa ở chân núi Đại Cố, có một cô thôn nữ hiền lành tên là Tú nương. Sau khi lấy chồng, về nhà chồng được mấy tháng thì bắt đầu có mang. Một hôm, Tú nương đang ngồi trong nhà dệt vải. Bỗng nhiên nghe có tiếng vó ngựa ầm ầm. Cô ngẩng đầu lên, thấy có một con nai bị thương đang chạy vào nhà, nghênh đầu kêu "be, be" hết sức đáng thương. Nhìn ra ngoài, Tú nương thấy xa xa có một toán thợ săn đang phi ngựa đến. Cô liền bảo con nai trốn xuống gầm ghế mình đang ngồi và lấy chăn che kín. Khi tốp thợ săn tới trước cửa, hỏi có thấy con nai hay không, cô làm như chẳng có chuyện gì, cứ tiếp tục dệt vải và điềm nhiên trả lời: "Nó đã chạy về phía đông rồi!". Toán thợ săn liền phóng ngựa đi, cô gọi con nai ra và bảo: "Hãy mau chạy ngay về phía tây!". Con nai như hiểu ý, cảm kích gật đầu mấy cái, rồi khập khiễng chạy về phía tây.
Vài tuần sau, tú nương trở dạ, không may bị chứng khó đẻ. Bà đỡ cố gắng mãi, nhưng cũng đành chịu bó tay; người chồng mời nhiều thầy thuốc đến khám, cho uống đủ thứ thuốc thúc đẻ cũng vẫn vô dụng; mẹ chồng cô cũng đã đi khắp nơi, thắp hương cầu thần linh phù hộ, cũng chẳng ăn thua. Cả nhà nhìn Tú nương bụng quằn quại và không thể cầm nổi nước mắt. Đúng lúc ấy con nai xuất hiện, miệng ngậm mấy nhánh cây, tiến tới gần chỗ Tú nương, mắt đẫm lệ, miệng kêu "be, be". Tú nương mở mắt, nhận ra đó chính là con nai đã được mình giải thoát mấy tháng trước. Bỗng cô hiểu ý và bảo chồng lấy mấy nhánh cây từ miệng con nai đem sắc lên cho mình uống. Con nai gật đầu mấy cái rồi chạy trở về núi. Uống xong bát thuốc, chỉ một lát sau Tú nương đã cảm thấy cơn đau dịu bớt, toàn thân khoan khoái; chẳng bao lâu đã nghe tiếng trẻ khóc "oe oe" - đứa trẻ đã sinh ra lúc nào không biết, ...
Biết được tác dụng kỳ diệu của cây thuốc con nai mang tới, người chồng liền lên núi tìm kiếm và nhổ về trồng ở quanh nhà, dùng làm thuốc chữa bệnh cho phụ nữ trong thôn. Kinh nghiệm quý báu đó đã lan rộng trong dân gian và lưu truyền tới tận ngày nay.
Ích mâu là loài cây thảo sống hằng năm. Cao hơn 1m. Thân vuông, ít phân nhánh. Lá mọc đối, có góc gần như tròn, có răng cưa rộng, các lá giữa dài, xẻ thùy, các lá ở ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên. Hoa trắng hồng hoặc tím hồng xếp thành vòng dày đặc ở nách lá. Quả nhỏ, có 3 cạnh, có màu nâu xám.
Cây ích mẫu có tên khoa học là Leonurus heterophyllus Sw., thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Leonurus theo gốc chữ Hy Lạp có nghĩa là đuôi con sư tử, heterophyllus là lá có hình dạng biến đổi - vì cây ích mẫu giống đuôi con sư tử, mà lá có hình dạng biến đổi.
Trong Đông y, cây ích mẫu có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng hay dùng nhất là ba tên "sung úy thảo", "ích mẫu thảo" và "khôn thảo". Ban đầu vị thuốc có tên là "sung úy thảo". Theo sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân: Loại cỏ này có cành lá và hoa đều "sung thịnh mật úy" - có nghĩa là tươi tốt và dầy đặc, nên mới có tên là "sung úy". Nhưng do có tác dụng tốt đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong kỳ sinh đẻ, nên về sau người ta thường gọi là ích mẫu thảo, nghĩa là thứ cỏ có ích cho người mẹ. Cây còn có tên là khôn thảo vì khôn là tên một quẻ trong trong Kinh Dịch, biểu tượng cho nữ giới. Như sách "Dịch truyện" viết: Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ.
Ở nước ta ích mẫu mọc hoang và được trồng ở khắp nơi; từ đồng bằng tới miền núi, từ Bắc chí Nam, bờ suối, ven sông, bên đường, ruộng hoang, ... đâu đâu cũng có. Cuối Đông hoặc đầu Xuân hạt rơi trong đất nảy mầm, cuối Xuân hoặc đầu Hè thì ra hoa, khi đó có thể nhổ hoặc chặt về, cắt thành từng đoạn ngắn, phơi khô, bảo quản nơi khô ráo, để dùng dần làm thuốc.
Theo Đông y: Ích mẫu thảo có vị đắng, cay; tính hàn; vào các kinh Can và Tâm bào. Có tác dụng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết, điều kinh, lợi thủy tiêu thũng, bổ thận, ích tinh, minh mục. Thường dùng chữa kinh nguyệt không điều hòa, thống kinh (hành kinh đau bụng), bế kinh, thúc đẻ, sản hậu rong huyết, viêm thận cấp, ngoại thương ứ huyết, ...
Ngoài tác dụng "thôi sinh" (thúc đẻ) như trong truyền thuyết trên, ích mẫu thảo còn có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh khác, mà lại là vị thuốc rẻ tiền, dễ kiếm, dễ trồng. Dưới đây là một vài ứng dụng cụ thể, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình:
(1) Chữa sau khi sinh đẻ chóng mặt, máu hôi không ra được: Lấy lá ích mẫu tươi, giã vắt lấy một chén to nước cốt, chia ra cho uống sống dần dần.
(2) Chữa sau khi sinh đẻ (hoặc phẫu thuật) tử cung không khôi phục vị trí cũ: Dùng ích mẫu thảo 30g, kê huyết đằng 20g; sắc lấy nước uống trong ngày, khi uống nên cho thêm đường vào cho đủ ngọt.
(3) Chữa phụ nữ khó sinh đẻ: Ích mẫu thảo đem giã nát, vắt lấy 7 bát nước cốt, đun nhỏ lửa tới khi cạn còn một nửa; cho uống từ từ từng ít một.
(4) Chữa viêm thận cấp, viêm thận mạn, tăng huyết áp: Ích mẫu thảo 30g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 10g; sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày một thang. Nếu có điều kiện có thể thêm phục linh 20g, xa tiền tử 20g, bạch truật 12g, tang bì 12g.
(5) Phòng mụn nhọt cho trẻ sơ sinh: Khi trẻ mới sinh, lấy 200g ích mẫu đun nước tắm. Trẻ lớn lên sẽ không bị mụn nhọt.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcTôi cần mua thuốc ích mẫu thảo