Hỏi:
Tôi nghe một số cụ già nói, trên các đường phố Hà Nội có trồng nhiều cây nhội, có thể dùng chữa bệnh ngoài da và phụ khoa rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, cây nhội có hình dạng như thế nào và hướng dẫn cho cách dùng chữa bệnh trong gia đình.
L.T.M, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Cây nhội còn có một số tên gọi khác, như "thu phong", "ô dương", "xích mộc", "bích hợp", "trọng dương mộc", "mạy phát" (Tày), "bi puông điâng" (Dao). Quả nhội giống như quả cơm nguội, nên có người còn gọi là "cây cơm nguội". Tên khoa học của cây là Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook.f., thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây nhội mọc hoang trong rừng và được trồng lấy bóng mát ở một số thành phố nước ta, Hà Nội trồng rất nhiều, nhất là ở Quận Ba Đình.
Nhội là loại cây to, có thể cao tới hơn 20m. Lá kép gồm 3 lá chét hình trứng hay hình mác rộng, mép có răng cưa tù, dài 8-15cm, đầu lá chét nhọn, đáy lá chét cũng nhọn, cuống chung dài tới 7-10cm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, khác gốc, nhỏ, màu lục nhạt; hoa đực có 5 lá đài, 5 nhị; hoa cái cũng có 5 lá đài; bầu 3 ô, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả thịt, hình cầu, đường kính 1-1,5cm, màu nâu hay hồng nhạt, vị chát, chứa 2-3 hạt màu nâu; vỏ quả trong, dai. Mùa hoa vào cuối Xuân đầu Hạ.
Thời xưa, lá nhội non thường được dùng để ăn gỏi cá. Từ vài chục năm gần đây, bắt đầu được nghiên cứu sử dụng làm thuốc, dùng chữa bệnh ỉa chảy, lở ngứa ngoài da, phụ nữ nhiều khí hư, viêm âm đạo do trùng roi âm đạo.
Năm 1963, Bộ môn ký sinh trùng Trường Đại học y dược Hà Nội nghiên cứu có hệ thống những vị thuốc có khả năng trừ giun sán và các ký sinh trùng khác, phát hiện thấy lá nhội có tác dụng rất mạnh đối với trùng roi (Trichomonas vaginalis). Đã áp dụng điều trị thí nghiệm bệnh ỉa chảy của khỉ do lỵ trực trùng, kết quả khỏi đạt 88%. Dùng chữa khí hư do trùng roi ở phụ nữ, đạt kết quả tốt, độc tính rất thấp.
Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng lá nhội dưới hình thức thuốc sắc hay chế thành cao, để chữa trị một số chứng bệnh sau:
(1) Chữa lỵ, ỉa chảy: Dùng 40-60g lá; sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa dị ứng, mụn nhọt lở ngứa, ghẻ ruồi: Dùng lá nhội 2 phần, nghể răm 1 phần; nấu nước, tắm khi nước còn nóng và dùng bã xát vào những chỗ da bị bệnh.
(3) Chữa khí hư, viêm âm đạo do trùng roi:
- Dùng lá nhội 20-40g lá tươi (hoặc 8-15g lá khô); sắc uống thay nước trong ngày. Đồng thời, có thể nấu nước lá nhội, thêm vào nhúm phèn chua để ngâm rửa.
- Cũng có thể nấu thành cao, cho tiện sử dụng như sau: 1kg lá nhội, nấu với nước nhiều lần; lọc lấy nước, cô đặc còn 50 ml, cất trong tủ lạnh để dùng dần, hàng ngày dùng bông thấm cao thuốc, bôi vào âm đạo 2-3 lần.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.