Hỏi đáp

Dùng cây cỏ chữa trị "Mụn cóc mềm"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/12/2011 11:45 CH

Hỏi:

Cháu 16 tuổi, đang đi học. Mấy tháng trước trên cổ cháu bỗng nhiên mọc lên một cái mụn nhỏ. Ban đầu chỉ là một nốt sẩn cỡ hạt gạo, sờ vào cưng cứng, sau cứ to lên và mềm dần, bề ngoài giống như cái mụn cóc. Khi to gần bằng hạt ngô thì vỡ ra lúc nào không biết, nặn ra thấy bên trong có chất mủ trắng như bã đậu. Hiện nay cháu lại mới bị mọc thêm 2 cái nữa, 1 cái trên mi mắt và một cái ở  má. Cháu rất lo, chỉ sợ bệnh sẽ lan ra khắp cả mặt mũi. Cháu viết thư này mong các cô chú tư vấn cho biết: Thứ bệnh cháu mắc phải gọi là bệnh gì? Có thể dùng loại cây cỏ nào để chữa?

Trương Thị Thu Huệ, Diễn Châu, Nghệ An

Đáp:

IMG

Theo Tây y, thứ mụn mà cháu hỏi là một loại "mụn cóc mềm" (soft wart), tên chuyên môn gọi là "molluscum", nghĩa là "u mềm". Thứ u này tuy có ảnh hưởng nhất định tới thẩm mỹ nhưng là loại u lành, nói chung không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và khi khỏi nói chung cũng không để lại sẹo, vị vậy cháu cũng không nên quá lo sợ.

"U mềm" do một loại vi-rút gây nên. Có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng thường hay gặp nhất ở thanh niên và thiếu niên. U mềm tuy hay mọc ở ngực, bụng, mặt, mi mắt, bả vai, tay, chân, mông, quanh cơ quan sinh dục, ... nhưng nói chung có thể phát ra ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể.

Đầu tiên trên da xuất hiện một nốt sẩn hình bán cầu (cỡ bằng hạt gạo), sau to dần (cỡ bằng hạt đậu), mặt ngoài vàng bóng như sáp, hình dạng nhìn như cái mụn cóc (mụn cơm), đỉnh mụn lõm xuống như hốc rốn. Thời kỳ đầu mụn cứng và dai, sau mềm dần, da bọc ngoài có màu trắng đục hoặc vàng thẫm, nặn ra thấy có chất mủ trắng nhờ nhờ như bơ. U có thể mọc đơn độc hoặc tập trung vài ba cái trên một vị trí, nhưng không kết liền với nhau thành mảng. Nói chung không gây nên cảm giác gì khó chịu, chỉ đôi khi có thể hơi ngứa.

Đông y gọi loại "u mềm" nói trên là "thử nhũ" - có nghĩa là "vú chuột" vì giống như vú con chuột, hoặc "thủy hầu" - có nghĩa là "mụn cóc nước" vì giống như mụn cóc nhưng lại mềm như nước.

Để chữa trị, cháu có thể sử dụng một số loại thảo dược, để bôi ngoài và uống trong sau đây:

• Bôi ngoài:

    - Khi bệnh mới phát, để giải quyết ngay, hàng ngày hãy hái lấy một nắm lá rau sam, rửa sạch, hong khô, giã nát, vắt lấy nước cốt. Dùng bông thấm nước cốt bôi lên mụn, ngày 3-4 lần.

    - Đồng thời tự chế loại cồn thuốc như sau: Dùng cỏ nhọ nồi 25g khô (hoặc 50g tươi), rau sam 25g khô (hoặc 50g tươi), hạt ý dĩ (bo bo) 30g, băng phiến 5g (mua ở hiệu thuốc, không phải loại dùng để bảo quản quần áo). Ngâm với 1000 ml rượu trắng (loại trên 50 độ, hoặc dùng cồn 50%) ít nhất 7 ngày, rồi lọc lấy rượu thuốc để dùng dần. Hàng ngày dùng bông thấm rượu thuốc bôi 2-3 lần lên mụn cóc. Đồng thời uống Bài thuốc 1 (ở dưới).

• Uống trong:

(1) Bài thuốc 1:

    - Thổ phục linh 35g, mã xỉ hiện (rau sam) 30g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 15g, đại thanh diệp (lá cây bọ mẩy) 15g, kinh giới 12g, cam thảo 6g (nếu không có cam thảo thì khi uống hòa thêm chút đường cho đỡ đắng); sắc nước uống thay nước trong ngày.

    - Tác dụng: Chữa u mềm, áp dụng cho trường hợp bệnh mới phát.

(2) Bài thuốc 2:

    - Ngoài 6 vị thuốc trong Bài thuốc 1, cần mua thêm: Đương quy 12g, xích thược 12g, xuyên khung 8g, ngưu tất 10g; hợp lại với nhau cùng sắc uống. Sắc với 1500ml nước, đun cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày.

    - Tác dụng: Chữa u mềm trong các trường hợp bệnh kéo dài lâu ngày, cơ thể đã suy nhược, đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]