Giải mã Đông y

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 2)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 09/01/2012 07:08 CH

>> Đông y là khoa học hay ngụy khoa học? Những cuộc tranh luận xưa và nay (Kỳ 1)

Đông y là khoa học hay ngụy khoa học

... Chỉ trích học thuật

Những năm nửa đầu Thế kỷ trước, Đông y là đối tượng bị chỉ trích rất kịch liệt về mặt học thuật. Dư Vân Tụ (1879-1954) tác giả "Đề án" thủ tiêu Đông y là học giả cực kỳ ác cảm với Đông y. Năm 1904 họ Dư từng du học ở Nhật tại Trường vật lý Tôkyô, sau vào học Trường Đại học y khoa Đại Bản. Ở Nhật khi đó Đông y đã bị cấm, sự việc này đã ảnh hưởng lớn tới quan điểm của Dư Vân Tụ. Dư Vân Tụ cho rằng, Trung Quốc muốn phát triển y học cũng cần phải làm theo Nhật Bản phế bỏ Đông y.

Từ khi về nước, Dư Vân Tụ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Hội đồng y tế trung ương của Chính phủ dân quốc ở Nam Kinh; Ủy viên Hội đồng biên soạn quy chế giáo dục và giáo trình y khoa; Tổng biên tập Tạp chí "Y học Trung Hoa" (Trung Hoa y học tạp chí), ...

Đầu tiên, Dư Vân Tụ viết cuốn "Linh tố thương đoài" chỉ trích kịch liệt sách "Nội kinh" (bộ sách kinh điển của Đông y học). Cho rằng "Nội kinh" không có một chữ nào là có thể chấp nhận, ... Đó là một "bí bản", một "lợi khí" giết người từ 4000 nghìn năm, ... Hóa học phương Tây đã chứng minh vật chất có "80 hành" (ý nói 80 nguyên tố hóa học) trong khi đó Đông y chỉ biết có "5 hành" (ngũ hành), ... Sau đó, Dư Vân Tụ đã lập "Đề án" coi Đông y là trở ngại lớn nhất đối với sự nghiệp y học, cần sớm phế bỏ (như đã nói trong Kỳ 1).

Hai mươi năm sau, năm 1949 Nhà nước Trung Hoa mới thành lập, Dư Vân Tụ vẫn giữ một chức vụ cao trong Bộ y tế. Khi đó ông đã hy vọng rằng, sự nghiệp "Cách mạng y học" của mình ta sẽ có thể trở thành hiện thực. Nên trong lời tựa một cuốn sách, Dư Vân Tụ đã viết: "... Hoạt động cách mạng y học suốt 30 năm qua của tôi, nay đã không cần thiết nữa. Vì đứng trên quan điểm duy vật biện chứng, Đảng cộng sản tuyệt đối sẽ không làm như Chính phủ Tưởng Giới Thạch, ...". Khi đó Dư Vân Tụ vẫn cho rằng: "Đông y học chỉ là một cửa hiệu tạp hóa với những thứ thần thoại, chiêm tinh thuật, triết học cổ điển và duy tâm luận.".

Nhân tiện nói thêm, khi Nhà nước Trung Hoa mới thành lập, cuộc tranh luận về vai trò của Đông y vẫn chưa kết thúc. Đầu những năm 50, các quan chức cấp cao trong Bộ y tế vẫn đặt ra nhiều chính sách và quy định nhằm hạn chế Đông y phát triển. Nhưng cuối cùng, hai thứ trưởng y tế thời đó là Vương Bân và Hạ Thành đã bị bãi chức. Trong sự việc này, Mao Trạch Đông đã đóng một vai trò quyết định. Năm 1953, Mao Trạch Đông chính thức đề xuất quan điểm "Xây dựng nền y học mới trên cơ sở kết hợp Đông y dược và tri thức y học phương Tây". Từ năm 1958, phương châm "Trung Tây y kết hợp" bắt đầu được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi.

Ngoài những nhân vật trong chính giới hoặc trong ngành y như Dư Vân Tụ, đại đa số danh nhân văn hóa thời đó cũng phủ định tính khoa học của Đông y học. Những câu chỉ trích "trứ danh" nhất, lưu truyền rộng rãi nhất, phần lớn đều xuất phát từ các danh nhân. Trần Độc Tú, lá cờ đầu trong phong trào "Văn hóa mới" (Tân văn hóa, Ngũ tứ vận động), nhận định: "Đông y không hiểu gì về cấu tạo của cơ thể người, lại không phân tích tính chất của thuốc, ..., chỉ biết phụ hội vào âm dương hàn nhiệt, ngũ hành tương sinh tương khắc, ...". Hai đại diện khác của Tân văn hóa là ông Hồ Thích và Lương Khải Siêu cũng phê phán Đông y kịch liệt.

"Tinh báo" ở Thượng Hải thời đó có đăng bài báo "Hồ Thích và Hoàng kỳ" kể rằng, Hồ Thích do làm việc quá sức mắc bệnh tiểu đường (tiêu khát), bèn đến Bệnh viện Hiệp Hòa chữa trị. Bác sĩ Tây y nói: "Bệnh tiểu đường không thể chữa được, chỉ còn cách mau về chuẩn bị hậu sự". Hồ Thích cho rằng, Tây y đã chẩn đoán ắt phải chính xác nên cảm thấy cực kỳ chán nản. Khi đó một người bạn khuyên ông đi chữa Đông y. Hồ Thích nói: "Đông y không dựa trên khoa học, không thể tin cậy". Người bạn nói: "Tây y đã bó tay, vậy hãy thử xem". Cuối cùng Hồ Thích đã được thầy thuốc Đông y Lục Trọng An chữa khỏi bằng phương thuốc với vị thuốc "Hoàng kỳ" là chủ vị.

Tuy được Đông y chữa khỏi bệnh, nhưng Hồ Thích không tiết lộ với ai về sự việc đó. Đông y bị công kích, ông cũng không lên tiếng bênh vực. Ngược lại, trong lời tựa của bản dịch cuốn sách "Y học và con người" nói về quá trình phát triển của Y học phương Tây, ông còn tuyên bố: "Phải nói rõ rằng, trình độ nhận thức và kỹ thuật trong thứ y học mà chúng ta tôn là "Quốc y", suy cho cùng chỉ tương đương với trình độ của người ta trong những thế kỷ của thiên niên kỷ đầu.".

Trường hợp Lương Khải Siêu hoàn toàn ngược lại, Lương Khải Siêu bị tiểu tiện ra máu rất nặng, phải vào Bệnh viện Hiệp Hòa làm phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt mất trái thận phải vẫn đang khỏe mạnh. Khi đó bệnh viện đã bị dư luận lên án kịch liệt, nhưng Lương Khải Siêu vẫn viết bài bảo vệ Tây y công kích Đông y trên tờ "Thần báo". Sau khi ca ngợi phong cách làm việc khoa học và chính xác của Tây y, ông viết: "... Trường hợp bệnh của tôi chẳng qua chỉ là một ngoại lệ ngẫu nhiên. Việc chẩn bệnh cần tiến hành một cách nghiêm mật như vậy, chứ không như Đông y chỉ đoán mò dựa theo âm dương ngũ hành, ...".

Khi mới từ Nhật Bản trở về, Lỗ Tấn cũng lên án Đông y rất mạnh. Trong truyện "Bệnh của cha tôi", ông đã kể lại cái chết thê thảm của cha mình trong tay hai lang vườn, miêu tả tường tận cách hại người theo kiểu ma thuật của họ, khiến người đọc rất có ác cảm đối với các thầy thuốc Đông y. Lỗ Tấn nói rõ, khi học Tây y ở Nhật Bản ông dần hiểu ra rằng: "Đông y chẳng qua là một trò lừa bịp hữu ý hoặc vô ý". Nhận định này của Lỗ Tấn đã lan truyền rất rộng, trở thành châm ngôn của những người chống đối Đông y mãi tới ngày nay. Sau này thái độ của ông đã thay đổi nhưng điều này ta sẽ nói sau.

Kể lại chuyện danh nhân chỉ trích Đông y ở đây, bài viết không có ý phủ nhận vai trò tích cực của Phong trào Văn hóa mới đối với sự tiến bộ xã hội và phát triển khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc đầu thế kỷ trước. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, thái độ suy tôn khoa học phương Tây quá mức, coi khoa học là thước đo duy nhất trong mọi lĩnh vực, đã khiến cho văn hóa truyền thống tổn thương nặng nề, và quan niệm đó còn để lại những dấu ấn tới tận ngày nay. Sự việc một giáo sư phát động phong trào phế bỏ Đông y hồi cuối năm 2006 là một ví dụ rất tiêu biểu.

(Xem tiếp kỳ sau) 

Lương y THÁI HƯ 

(Bài viết đã được đăng trên Tri Thức Trẻ số Tết Đinh Hợi) 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]