Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết về đặc điểm và tác dụng của con hải sâm, đồng thời hướng dẫn giúp cách chế biến và sử dụng để bồi bổ cơ thể và chữa trị các bệnh thường gặp.
Lê Vinh Quang, Bình Định
Đáp:
Hải sâm loài động vật không xương sống sống ở biển, có tác dụng bổ dưỡng không kém nhân sâm, nên được mệnh danh là "hải sâm", còn gọi là "đỉa biển" vì có hình dạng giống tựa như con đỉa.
Trong Trung y (Đông y Trung Quốc) hải sâm còn gọi "hải thử", "sa tốn"; loài có gai gọi là "thích sâm", loài không có gai gọi là "quang sâm", loài lớn mà có gai gọi là "hải nam tử". Tên khoa học là Stichopus japonicus selenka.
Hải sâm sau khi thu bắt về, được cạo rửa cho sạch bằng nước muối, mổ bỏ ruột (ruột cũng có tác dụng chữa bệnh, nên có thể giữ lại và bảo quản riêng), lộn trong ra ngoài, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Khi cần sử dụng thì ngâm vào nước cho mềm, sau đó thái lát, sao khô hoặc với gạo nếp cho phồng vàng lên; kết hợp với các thuốc khác làm thuốc thang, hoặc tán bột làm thuốc viên hay nấu cháo ăn.
Theo Đông y: Hải sâm có vị mặn, tính ấm. Có tác dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo. Thường được dùng làm thuốc bổ dưỡng đối với những trường hợp tinh huyết hao tổn, cơ thể suy nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, ... Những năm gần đây còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị ung thư.
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy: Hải sâm có tác dụng tăng cường sức chống bệnh và nâng cao năng lực của hệ miễn dịch, ức chế quá trình sinh trưởng và di căn của các tế bào ung thư; chống mệt mỏi cơ bắp, duy trì trạng thái hoạt động cao; chống lão hóa; cải thiện chức năng hệ thần kinh và ổn định tâm trạng; bổ sung các yếu tố tạo máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thu ôxy và chống mệt mỏi cơ tim. Còn có tác dụng như chất xúc tác đối với các phản ứng enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và hấp thu, tổng hợp protein. Ngoài ra, do hải sâm có rất ít lipid và hầu như không có cholesterol, nên là loại thực phẩm lý tưởng đối với những người bị rối loạn lipid máu và bệnh động mạch vành.
Ở nước ta, hải sâm đã được chế biến bằng công nghệ hiện đại, sản xuất ra loại thuốc dưới dạng viên nang, có tên là "Amorvita Hải sâm". Thuốc đã được thử nghiệm trên các bệnh nhân hen phế quản, suy nhược, lupus ban đỏ hệ thống tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc hồi phục sức khỏe, mà không gây tác dụng phụ ngoài sự mong muốn. Thuốc cũng được thử nghiệm trên hàng trăm vận động viên, kết quả cho thấy có tác dụng tăng lực rõ rệ, giúp vận động viên đạt thành tích trong thi đấu mà không vi phạm những điều cấm kỵ về doping.
Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng hải sâm đánh bắt được để chữa một số bệnh thường gặp như sau:
(1) Bổ thận ích tinh: Hải sâm 30g, xương sống lợn 60g, hạch đào nhân 15g; 3 thứ làm sạch, hầm nhừ, thêm gia vị, ăn trong nhiều ngày. Hoặc dùng hải sâm 30g, gạo nếp 50-100g, nấu cháo, chia ra ăn trong ngày, liên tục nhiều ngày. Có tác dụng chữa thận hư dẫn tới các chứng trạng như đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù, tai nặng, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm, ....
(2) Dương nuy (liệt dương): Hải sâm 20g, hầm với thịt dê 100g, ăn trong ngày. Hoặc dùng hải sâm 500g (sao thơm), hạch đào nhân 100 hạt, thận dê 4-6 đôi, đỗ trọng 240g, thỏ ty tử 240g, ba kích 124g (sao với nước cam thảo), kỷ tử 120g, lộc giác giao 120g, bổ cốt chi 120g (sao muối), đương quy 120g, ngưu tất 120g (tẩm giấm sao), quy bản 120g (tẩm giấm sao); tất cả sấy khô, tán thành bột, luyện với mật ong làm thành viên, mỗi viên chừng 9g; mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 viên.
(3) Ho ra máu do lao phổi: Hải sâm 500g, bạch cập 250g, quy bản 120g; 3 thứ sấy khô, tán bột, trộn đều; mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g, chiêu thuốc bằng nước ấm.
(4) Cao huyết áp và vữa xơ động mạch: Dùng hải sâm 50g, hầm nhừ, thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.
(5) Thiếu máu: Dùng hải sâm và đại táo (táo tầu, bỏ hạt) lượng bằng nhau; sấy khô, tán thành bột mịn; mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 9g với nước ấm. Hoặc dùng hải sâm 1 con, hầm với mộc nhĩ 50g, thêm chút đường phèn, ăn trong ngày.
(6) Táo bón do âm hư (Hư hỏa táo kết): Hải sâm 30g, lòng lợn 120g (làm sạch), mộc nhĩ đen 15g; 3 thứ hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày, liên tục nhiều ngày đến khi khỏi.
(7) Chữa hưu tức lỵ: Hàng ngày dùng hải sâm 30-50g, sắc nước uống. Hưu tức lỵ là bệnh lỵ mãn tính, lúc phát lúc ngừng, kéo dài lâu ngày.
(8) Viêm loét dạ dày tá tràng: Dùng ruột hải sâm, đặt lên viên ngói (loại ngói đất sét nung) hoặc chảo gốm, sấy thật khô, nghiền thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 0,5-1g.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.