Mỗi khi nhắc tới Giáo sư Đỗ Tất Lợi người ta thường đề cập ngay tới bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" với thái độ vô cùng quý trọng và thán phục. Ban đầu, sách chỉ là một bộ giáo trình về dược liệu học dành cho sinh viên của trường dược, gồm 6 tập, viết và in dần dần từ năm 1962 đến năm 1965. Từ lần xuất bản thứ hai, sách mới được hợp thành một bộ thống nhất. Cho tới nay sách đã được bổ sung, sữa chữa và tái bản đến hơn chục lần, với tổng số trên 100 nghìn bản in - một kỷ lục khó có một cuốn cách khoa học chuyên ngành nào vượt được.
"Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" đã được bạn đọc hoan nghênh và giới khoa học ở trong nước cũng như ngoài nước đánh giá rất cao. Với công trình khoa học này, tác giả đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được Hội đồng chứng chỉ khoa học tối cao Liên Xô phong học vị Tiến sĩ khoa học mà không cần phải bảo vệ luận án (năm 1968). Cũng là một trong 12 thầy thuốc đầu tiên được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đại học năm 1980 và cũng là người vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Kỹ thuật ngay đợt đầu tiên vào năm 1996, ...
• Thuận theo hoàn cảnh
Bộ sách đồ sộ, giá trị cao và có tiếng vang lớn như vậy, nên người ngoài thường không biết là ban đầu nó được viết ra một cách rất tự nhiên. Năm 1955, sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về, bố tôi rời quân ngũ vì được mời về làm chủ nhiệm bộ môn Dược liệu - Thực vật tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội, khi đó hai ngành Y và Dược vẫn chung một trường. Để phục vụ cho công việc giảng dậy và nghiên cứu, ông bắt đầu biên soạn giáo trình "Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam". Sách gồm 6 tập, được biên soạn và ấn hành dần từ năm 1962 đến năm 1965.
Sau khi "Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam" ra đời, tuy đó là giáo trình chuyên ngành, nhưng đã được đông đảo quần chúng quan tâm, đón nhận nhiệt thành. Rất nhiều bạn đọc ở trong và ngoài ngành dược đã đến nhà hoặc gửi thư trao đổi hoặc hỏi tác giả về thuốc Nam cũng như Đông y. Từ đó, bên lề các trang sách in bắt đầu xuất hiện những dòng chữ viết tay. Đó là những ý kiến của các chuyên gia và độc giả xa gần, cũng như những vấn đề cần phải sửa chữa hoặc bổ sung. Sau mỗi lần xuất bản, ông luôn luôn dành một bản cho việc bổ sung và sửa chữa: Thông tin liên quan được viết ngay ở trên lề sách; tài liệu mới sưu tầm thêm được, những ghi chép liên quan, ... cũng được ghim lại hoặc dán vào trang tương ứng. Từ lần xuất bản thứ hai, sách bắt đầu có thêm những thông tin có tính phổ cập. Khi hỏi vì sao trong một giáo trình chuyên ngành lại có những thông tin phổ cập như vậy, ông đáp: "Để tiết kiệm thời gian, có thể trả lời một lúc cho nhiều người". Do có những thông tin vượt ngoài phạm vi một giáo trình chuyên ngành nên bắt đầu từ lần xuất bản thứ hai, sách mới được đổi tên thành "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam". Như vậy, việc bổ sung thêm tài liệu có tính phổ cập và đổi tên sách cũng diễn ra một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Ngay việc bố tôi chọn nghề Dược, cũng diễn ra một cách tự nhiên. Khi đó ở Hà Nội mới chỉ có Đại học Luật và Đại học Y Dược. Tự biết bản thân không có tài ứng biến linh hoạt, nói năng lưu loát để theo học ngành luật, ông chỉ còn có thể lựa chọn giữa Y và Dược. Tuy thích học Y hơn, nhưng thời gian học Y quá lâu, sẽ tạo gánh nặng cho gia đình ... ông đã chọn ngành Dược để sớm tự lập, vì học Dược có thể rút ngắn 1-2 năm so với học Y.
• Hành trang Văn hóa & Khoa học
... Giáo sư Đỗ Tất Lợi đã có trên 150 công trình khoa học được công bố ở trong và ngoài nước, nhưng "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" vẫn là "đứa con tinh thần" lớn nhất của ông. Văn chính là người. Nhận định này hoàn toàn chính xác với trường hợp này. Để hoàn thành một công trình khoa học, một tác phẩm như vậy, người viết ra nó không những phải là một nhà chuyên môn lành nghề và uyên bác, mà còn phải là một con người kiên cường, có tính cách mạnh và hội tụ đủ những nhân tố cần thiết về mặt văn hóa, truyền thống gia đình, ...
Bố tôi trưởng thành trong giai đoạn cực thịnh của gia tộc Mai Lĩnh, một gia tộc có nếp sống gia giáo, đoàn kết lâu đời. Gia đình Mai Lĩnh thời đó có 7 người, các ông tôi chia ra ở cả nông thôn và thành phố. Ông nội tôi (ông hai) làm ruộng ở quê nhà, còn bố tôi được gửi lên thành phố để các ông em nuôi cho ăn học và tập sự lao động.
Thời nhỏ, tôi hay được bố mẹ cho về quê với ông bà nội. Tôi nhớ, khi đó hàng ngày mới tang tảng sáng là mọi người kể cả trẻ con từ 7-8 tuổi (tất cả khoảng hai chục người) đều phải thức dậy, quần áo chỉnh tề, ra tập hợp trên sân gạch rộng ở giữa khu nhà. Lúc mới ra sân, có người còn ngái ngủ ngáp ngắn ngắp dài, nhưng khi ông nội tôi xuất hiện, nét mặt nghiêm trang, thì mọi người đều răm rắp xếp hàng ngay ngắn, tay khoanh trước ngực và bắt đầu đồng thanh bài "Trị gia cách ngôn" đã được diễn nôm:
"Tang tảng sáng tức thì thức dậy.
Quét cửa nhà đâu đấy mọi nơi ...".
Sau này tôi được biết, mùa hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh, ngày nào cũng vậy, bài học làm người lúc tảng sáng đó đều không thay đổi. Sau đó tất cả mọi người chia nhau đi dọn nhà, dọn vườn, rồi mới vào ăn sáng. Tất cả các cô, các chú tôi khi đó đều làm việc quần quật ngoài đồng cùng những tá điền và đến bữa ăn, chủ và thợ cũng cùng ăn uống giống như nhau ...
Tôi nghĩ, trưởng thành trong một nếp sống gia giáo đến mức cực đoan, hà khắc như vậy, mỗi con người đều buộc phải có tính cách mạnh, trở nên rõ nét, có góc cạnh, không một ai lẫn lộn với một ai. Trong trí nhớ của tôi, ông nội hay mặc bộ đồ tây màu sáng, đi đâu cũng mang theo chiếc ba toong làm bằng song mây, ông để ria con kiến và miệng ít khi rời chiếc tẩu thuốc lá làm bằng gỗ mun. Trong khi đó, suốt cả đời bố tôi chưa hề ngậm vào miệng một điếu thuốc lá, vì hiểu rằng thuốc lá không có lợi đối với sức khỏe. Có lẽ, đó cũng là một biểu hiện của tính cách mạnh. Mà phải có tính cách như vậy, bố tôi mới có thể vượt qua tất cả những khó khăn, oan ức, để có thể làm nên sự nghiệp vẻ vang và nuôi sáu anh em chúng tôi khôn lớn, bình an đến ngày hôm nay.
Từ nhỏ, bố tôi được gửi ra thành phố, nhờ ông sáu - ông Đỗ Xuân Mai nuôi dậy.
Để có thể quản lý tốt một cơ sở kinh doanh phức tạp và đa dạng như vậy, anh em nhà Mai Lĩnh đã có sáng kiến xây dựng một hệ thống sổ sách, các loại phiếu phân loại và mã hóa riêng, rất độc đáo, khoa học. Cách quản lý tư liệu theo kiểu đó đã giúp ích rất nhiều cho bố tôi trong công tác nghiên cứu khoa học sau này. Và đó cũng là một lý do khiến "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" được hoan nghênh đặc biệt: Cuối bộ sách có những bảng tra cứu và chỉ mục hết sức tỉ mỉ, rất thuận tiện cho người sử dụng. Ngày nay, việc làm này có thể thực hiện dễ dàng với máy vi tính, nhưng trong những năm 60, để làm được một việc như vậy ắt phải có cách làm khoa học và phải tốn rất nhiều công phu.
Trong những năm đi học và giúp việc các chú, các anh ở Hải Phòng và ở Hà Nội, bố tôi còn được tiếp xúc với một số vị lương y như Phó Đức Thành, Dương Thái Ban, Nhất Kinh, ... được làm quen với các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Phạm Cao Củng, ... Những vị lương y và các nhà văn hóa đó đã trở thành những người thầy đầu tiên và đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông sau này. Chính họ đã giúp ông trang bị cho mình những hành trang cần thiết, về chuyên môn cũng như tính cách cho công việc của một nhà nghiên cứu khoa học sau này.
Văn hóa dân tộc và nhất là nhân tố thời cuộc - Chính cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã tạo điều kiện để ngày nay chúng ta có một nhà dược học như vậy.
Người ta thường bảo, số phận mỗi con người được định đoạt bởi những yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ hoặc là "tiền định". Trên thực tế, đó là những sự kiện, những diễn biến của hoàn cảnh khách quan bên ngoài, mà chúng ta khó có thể hoặc không thể lường trước được. Dù nói theo cách nào đi nữa, thì cuộc đời của bố tôi có rất nhiều nhân tố như vậy.
Lương y HUYÊN THẢO
(Bài đã đăng trên Tri Thức Trẻ - Chuyên san của báo Tiền phong)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.