Thông thường, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng dị thường, chúng ta thường suy nghĩ theo hướng trực diện, thuận chiều. Chúng ta thường lập tức bắt tay hành động, bằng mọi cách loại trừ các chứng trạng khó chịu càng nhanh càng tốt:
- Da ngứa, thì lập tức bôi thuốc chống ngứa;
- Thân nhiệt tăng cao, thì uống thuốc hạ sốt;
- Huyết áp tăng cao, liền uống thuốc cho huyết áp hạ xuống;
- Đau đầu, thì uống thuốc giảm đau, cắt đứt đường dẫn truyền thần kinh, khiến cho cảm giác đau không còn xuất hiện;
- Mồ hôi tay tiết ra quá nhiều, thì cắt hạch thần kinh giao cảm ở ngực.
Đối với một số cơ quan hay "gây chuyện", để phòng bệnh chúng ta cũng thường chọn biện pháp theo hướng loại trừ: Cắt bỏ a-my-đan để phòng ngừa viêm họng, cắt bỏ tử cung để tránh bị u xơ tử cung, ... Nói chung, người ta thường cho rằng, chỉ cần "uống đúng thuốc" hoặc "cắt đúng chỗ", là cơ thể sẽ được bình an vô sự.
Có điều, trên thực tế bệnh tật thường diễn biến vô cùng phức tạp, phương thức tư duy và cách tiếp cận trực diện như trên, không phải lúc nào cũng có thể đem lại kết quả như mong muốn.
Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy: Để phòng trị bệnh tật hiệu quả, trong rất nhiều trường hợp, người thầy thuốc cần linh hoạt đổi hướng tư duy, nhìn nhận vấn từ một góc nhìn khác, theo hướng ngược lại, thường gọi là "tư duy ngược chiều", "nghịch hướng tư duy", "tư duy lật ngược", ...
Trong Đông y có nhiều phương pháp chữa bệnh hữu hiệu, được xây dựng trên cơ sở "tư duy ngược chiều". Ví như phương pháp "Đông bệnh Hạ trị" (bệnh mùa Đông chữa từ mùa Hạ), đó cũng là một phương pháp chữa bệnh được xây dựng trên cơ sở "tư duy ngược chiều". Vì theo lẽ thường, bệnh phát ra trong mùa Đông, ắt phải tiến hành chữa trị ngay trong mùa Đông. Giải pháp trái ngược với phương thức tư duy thông thường như vậy giống như "nghịch lý". Nhưng thực tế, lại có hiệu quả cao và đỡ tốn kém.
Nay chúng ta sẽ đề cập đến 2 phương pháp, cũng hình thành trên cơ sở tư duy ngược chiều, đó là "Bệnh ở trên chữa trị ở dưới" (thượng bệnh thủ hạ) và "Bệnh ở dưới chữa trị ở trên" (hạ bệnh thủ thượng):
• Bệnh ở trên chữa trị ở dưới:
Hãy lấy ví dụ "bệnh viêm vách họng sau" mà Đông y gọi là "yết ung". Khi bệnh phát, vòm họng và vách họng sưng đỏ; vách sau bị mưng mủ, biến dạng, lệch sang một bên, khiến cho khi nói như có vật gì đó đang ngậm trong miệng, âm thanh phát ra như là pha giọng mũi; tai đau nhức, khó nuốt, họng như tắc lại; cố nuốt thì đồ ăn thức uống trào ra đường mũi; kèm theo người phát sốt, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng, miệng khát, lưỡi khô, ...
Để điều trị, đầu tiên cần thông đại tiện ở bên dưới, để tống khứ "bệnh tà" ra ngoài. Lâm sàng thường dùng các vị thuốc như sinh đại hoàng, chỉ thực, mang tiêu, tạo giác thích, xuyên sơn giáp, ... Sau khi uống thuốc, đại tiện thông, thì yết hầu cũng bớt sưng đau. Tiếp đó, cho uống các thứ thuốc thanh nhiệt giải độc như kim ngân, huyền sâm, sinh địa, ... bệnh sẽ khỏi dần.
Theo lý luận về tạng tượng của Đông y, yết hầu thuộc hệ thống Phế (vị trí ở phần trên cơ thể), nhưng tạng Phế lại có "quan hệ biểu lý" với Đại tràng (vị trí ở phần dưới cơ thể). Do Phế và Đại tràng có quan hệ "Biểu - Lý" như vậy, nên nhiệt ở Phế thường chuyển xuống Đại tràng, làm cho đại tiện bị bí kết.
Ngược lại, nhiệt tích ở Đại tràng cũng thường bốc lên trên, hun đốt phần trên của cơ thể, làm cho tạng Phế bị nóng lên. Để giải trừ vòng tuần hoàn ác tính đó, Đông y sử dụng biện pháp thông đại tiện, tạo "đầu ra" ở phía dưới, mở đường cho "bệnh tà" thoát ra bên ngoài. Tức là, có thể dùng cách thông đại tiện ở phía dưới, để giải trừ thực nhiệt ở trên yết hầu. Bệnh đang hoành hành ở bên trên, nhưng lại tiến hành điều trị ở bên dưới!
Giải pháp độc đáo trên, chẳng khác gì "rút bớt củi ở dưới đáy nồi" trong lúc nấu cơm. Khi nồi quá nóng, để tránh cơm khỏi bị cháy khê, cần phải rút bớt củi ở dưới bếp, làm cho nhiệt độ ở trên nồi giảm xuống. Đối với nhiều chứng bệnh khác ở vùng đầu mặt. Ví dụ, như váng đầu chóng mặt (huyễn vựng), mặt đỏ bừng, miệng khát, mắt sưng đỏ, tai chảy mủ, mũi chảy máu cam, ... cũng có thể chữa trị bằng cách dẫn "bệnh tà" hoặc "huyết nhiệt" xuống phía dưới, rồi tống khứ ra ngoài. Thực chất cũng là những hình thức "rút bớt củi ở dưới đáy nồi".
Theo Đông y, tạng Thận có vị trí ở phần dưới cơ thể, nhưng khi tạng này suy yếu, các chứng trạng bệnh lý lại thường bộc lộ ở phần trên. Thí dụ như, khi tạng Thận suy yếu, chức năng "nạp khí" của Thận bị trục trặc, thì tiếng nói sẽ bị ảnh hưởng (khản tiếng, mất tiếng, ...) và các chứng ho, suyễn cũng thường phát sinh, vì âm thanh và hơi thở bắt rễ từ tạng Thận và đường tuần hành của kinh Túc thiếu âm Thận đi qua yết hầu.
Một số chứng bệnh khác như: Mặt nóng bừng do "hỏa bốc", hoa mắt, tai ù, răng lung lay, ... cũng thường phát sinh do tạng Thận suy yếu, "hỏa bất quy nguyên" (hỏa không trở về gốc) khiến cho "hư hỏa" bốc lên trên mà sinh ra bệnh. Với những trường hợp như vậy, tuy chứng bệnh phát ra ở bên trên, nhưng khi điều trị, lại chữa vào tạng Thận ở dưới. Bài thuốc thường dùng trong trường hợp này là "Mạch vị địa hoàng gia nhục quế", gồm các vị thục địa, sơn thù du, sơn dược, trạch tả, đan bì, phục linh, ngũ vị tử, mạch môn và nhục quế. Thực tế cho thấy, cách chữa trị như vậy thường đem lại kết quả kỳ lạ, có thể chữa khỏi cả một số chứng bệnh mà Tây y đang phải bó tay.
• Bệnh ở dưới chữa trị ở trên:
Ngược lại, nhiều dạng bệnh phát sinh ở phía dưới lại được tiến hành chữa trị ở phần trên.
Trong Đông y, phương pháp "Hạ bệnh thủ thượng" thường hay được áp dụng để chữa trị các chứng bệnh do nguyên nhân "khí hư hạ hãm". Ví dụ như sa tử cung, lòi rom (thoát giang, trĩ ngoại), sa dạ dày, ... Với các chứng bệnh trên, cần dùng phép "ích khí" ở bên trên để chữa. Bài thuốc thường dùng là "Bổ trung ích khí thang", bao gồm các vị thuốc hoàng kỳ 8g, đảng sâm 6g, bạch truật 8g, thăng ma 4g, sài hồ 4g, đương quy 6g, trần bì 4g và cam thảo 4g.
Đối với các chứng bệnh do "khí hư hạ hãm" nói trên, Đông y cũng thường tiến hành châm cứu, bấm huyệt hoặc dán cao, đắp thuốc, ... tại các huyệt ở phần trên cơ thể để chữa. Hay dùng nhất là huyệt "bách hội" ở chính đỉnh đầu, thuộc "đốc mạch", có tác dụng thăng đề dương khí rất mạnh. Trên lâm sàng, phụ nữ sa tử cung sau khi sinh đẻ, cũng như trường hợp trẻ nhỏ, người già cơ thể suy yếu bị thoát giang, Đông y thường dùng hạt (hoặc lá) thầu dầu, giã nát, đắp lên huyệt bách hội, kết quả nói chung thường rất tốt.
Hay như, đối với chứng "long bế" (bí đái), bệnh tuy phát tác ở phía dưới, cũng có thể tiến hành chữa trị ở phía trên. Bí tiểu nói chung liên quan trực tiếp với tạng Thận và phủ Bàng quang. Nhưng Thận còn liên quan với tạng Phế ở trên. Phế thuộc hành Kim, Thận thuộc hành Thủy; Kim sinh Thủy, nên Đông y thường nói "Phế Thận tương sinh".
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, bí tiểu cũng thường phát sinh do "Phế hỏa ung thịnh" (hỏa nhiệt ở tạng Phế quá thịnh); thường biểu hiện bởi các triệu chứng như bí đái, nước tiểu nhỏ giọt, họng khô, miệng háo, khát nước hoặc ho khan, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt sác, ... với trường hợp này, có thể sử dụng bài thuốc "Thanh phế ẩm giả giảm", có tác dụng thanh giáng hỏa nhiệt ở tạng Phế để chữa. "Thanh phế ẩm gia giảm" bao gồm các vị thuốc hoàng cầm 6g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 9g, mạch môn đông 12g, phục linh 12g, mộc thông 4g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, sắc nước uống trong ngày.
Để sử dụng phương pháp "thượng bệnh thủ hạ" và "hạ bệnh thủ thượng" một cách linh hoạt và có hiệu quả, người thầy thuốc cần tinh thông y lý và chẩn bệnh hết sức cẩn thận, dựa trên sự phân tích các chứng trạng biểu hiện cục bộ, để tìm ra mâu thuẫn chủ yếu (gốc bệnh) và bức tranh bệnh lý tổng thể. Chỉ khi nào hiểu rõ được nguyên nhân bệnh và cơ chế bệnh, cũng như mối liên hệ giữa ngũ tạng, lục phủ và hệ thống kinh lạc, người thầy thuốc mới có thể quyết định "thủ thượng" hay "thủ hạ"!
Lương y THÁI HƯ
(Bài viết đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.