Hỏi:
Mẹ tôi bị lao phổi, sau thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện đã tạm ổn định. Theo bác sĩ nói, muốn tránh bệnh tái phát, cần sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và nếu có điều kiện thì nên dùng thêm các loại thuốc bổ, để tăng cường sức khỏe toàn thân. Tôi được một người bạn ở Bắc Kạn mang về cho một thứ thuốc bổ, có tên là "Bàn long sâm", nói rằng rất có lợi đối với người bị bệnh lao phổi. Trước khi sử dụng tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, "Bàn long sâm" có tác dụng gì? Có nên sử dụng cho mẹ tôi hay không? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?
Lê Thị Tuyết, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Bàn long sâm là một loài cây mọc hoang, hay gặp ở các bãi đất hoang, đồng cỏ, ven đường, từ các tỉnh biên giới phía Bắc, tới Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, cho tới Lâm Đồng. Cây còn có tên là "lan cuốn chiếu", "thụ thảo", "trư liêu sâm", "long bão trụ", "bàn long côn", "liêm đao thảo", ... tên khoa học là Spiranthes sinensis (Pers) Ames, thuộc họ Lan (Orchidaceae).
Bàn long sâm là cây thân thảo, sống lâu năn. Thân rễ ngắn, có những rễ củ mẫm mọc tỏa từ gốc ra. Thân nhỏ nhưng dài, cao tới 15-45cm. Lá mọc từ gốc, hình lưỡi mác hẹp, dài ngắn không đều, dài nhất có thể tới 15cm. Những lá phía trên thường thoái hóa, chỉ còn như bẹ ôm lấy thân. Hoa mọc thành bông, theo từng đường xoắn ốc, dài khoảng 5-10cm, cánh hoa màu trắng, phớt hồng hoặc đỏ, nở vào mùa hè. Quả nang, hình trứng, có lông mịn. Để dùng làm thuốc, người ta đào lấy rễ củ, rửa sạch đất cát, rồi phơi hoặc sấy khô. Một số nơi sử dụng toàn cây, với cùng tác dụng.
Tác dụng làm thuốc của bàn long sâm được ghi chép sớm nhất trong sách "Điền Nam bản thảo", do danh y Lan Mậu biên soạn năm 1436.
Theo Đông y:
- Bàn long sâm có vị ngọt đắng, tính bình; vào 2 kinh Phế và Thận. Có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái (chống ho), giải độc. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh nặng, âm hư nội nhiệt (nóng trong do âm hư), ho, thổ huyết, váng đầu, thắt lưng đau mỏi, di tinh, đái đục, phụ nữ nhiều khí hư, mụn nhọt lở loét ngoài da.
- Cách dùng, liều dùng: Sắc nước uống, dùng 15-30g tươi hoặc 10-15g khô; dùng ngoài giã nát đắp lên vết thương.
- Nghi kỵ: Người có thấp nhiệt ứ đọng kiêng dùng.
Do có tác dụng bổ hư, dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái (chống ho), nên bàn long sâm là loại thuốc tốt, dùng để bồi dưỡng cho những người mắc bệnh lao phổi.
Đối với trường hợp mẹ bạn, có thể sử dụng theo phương pháp như sau: Hàng ngày dùng 10-15g, sắc lấy nước, pha thêm chút mật ong, chia ra uống thay trà trong ngày. Nên sử dụng theo từng đợt 7-10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-4 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng bàn long sâm để chữa trị một số chứng bệnh như sau:
(1) Bồi dưỡng cơ thể sau khi mắc bệnh nặng: Bàn long sâm 30g, giang đậu căn (rễ cây đậu đũa) 15g, nấu với 250g thịt lợn hoặc thịt gà, làm món canh ăn trong bữa ăn (bỏ bã thuốc, chỉ ăn thịt và uống nước canh); cách 3 ngày ăn 1 lần.
(2) Chữa người già đại tiện phân lẫn máu, bụng có cảm giác như sa xuống trướng đau: Bàn long sâm 9-15g, cá diếc tươi 60g, nấu chín, thêm đường trắng, chia ra ăn trong ngày.
(3) Chữa hư nhiệt khái thấu: Dùng bàn long sâm 9-15g, mạch môn đông 8g, sắc nước uống trong ngày.
"Hư nhiệt khái thấu" là chứng ho do âm huyết hư tổn gây nên. Ngoài hiện tượng ho, còn có những biểu hiện như sốt nhẹ hoặc nóng cơn về chiều, lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ nhạt hoặc đỏ tía, mạch nhỏ nhanh.
(4) Đái tháo đường: Bàn long sâm 30g, tụy lợn 1 cái, lá ngân hạnh 30g, nấu canh ăn.
(5) Phụ nữ khí hư ra nhiều: Bàn long sâm 30g, lòng lợn 100g, hầm chín, chia 2 lần ăn trong ngày.
(6) Chữa trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè: Dùng bàn long sâm 15g, thài lài trắng 10g, sắc nước uống trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.